Ngày 26/10, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa với tỷ lệ 1/2000.
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch có diện tích 860,4ha, thuộc các khu vực liên quan đến khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ (Đông Anh), quy mô dân số 1,55 vạn người.
Định hướng quy hoạch lần này nhằm cân bằng ba hệ giá trị của thành Cổ Loa gồm lịch sử, nhân văn, sinh thái, đồng thời, bảo tồn, duy trì tính nguyên bản và toàn vẹn của hệ thống di sản trên mặt đất, tiềm ẩn dưới lòng đất, cùng toàn bộ môi trường lịch sử, môi trường xã hội nông thôn, nông nghiệp của di tích.
Mặt khác, quy hoạch nhằm ổn định, nâng cao chất lượng sống của cư dân Cổ Loa, đây được xem là là công cụ cốt lõi để thực hiện thành công mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích.
Tại quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu di tích Cổ Loa được phân thành 4 vùng gồm vùng lõi 31,2ha; vùng trung 225,3 ha; vùng ngoại 247,3ha và vùng biên là 356,6ha.
Quy hoạch này cũng định hướng không gian và thiết kế đô thị khu di tích thành Cổ Loa theo hướng bảo tồn toàn bộ dấu vết hiện còn; nghiên cứu phục dựng cục bộ một số đoạn nhỏ của Thành Trung; kiểm soát chặt chẽ hoạt động xây dựng tại hai khu dân cư xóm Chợ và xóm Chùa, theo đó nhà xây mới chiều cao dưới 9 mét; nghiên cứu phục dựng một số đoạn của thành hào Nội, tôn tạo các di tích đơn lẻ.
Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, quy hoạch khu di tích thành Cổ Loa lần này có nhiều điểm mới; trong đó, tạo môi trường mới cho du lịch phát triển, tạo điều kiện sống tốt hơn cho dân cư khu vực, đồng thời, quy hoạch cũng phát huy tốt hơn giá trị của di tích.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị thành phố Hà Nội, huyện Đông Anh, quản lý tốt quy hoạch, tiếp tục đầu tư tôn tạo để di tích trở thành tài sản, giá trị tinh thần vô giá của dân tộc và của Thủ đô.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, thành phố đang tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng khu trung tâm, khu trưng bày của di tích để thu hút khách tham gian trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiến hành phục dựng hệ thống thành, hào nhằm phát huy tốt hơn giá trị của di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Để bảo vệ di tích đặc biệt của quốc gia, thành phố Hà Nội cũng yêu cầu huyện Đông Anh quản lý tốt đất đai trong khu di tích, xử lý nghiêm và kịp thời những trường hợp xâm phạm, lấn chiếm thành Cổ Loa./.