Để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp: Vẫn chưa trúng đích

Việc triển khai gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được nhận định vẫn chưa thực sự trúng đích khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực không tiếp cận được các gói hỗ trợ.
Để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp: Vẫn chưa trúng đích ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trở nên trì trệ, doanh thu sụt giảm mạnh.

Nhằm ngăn đà phá sản của các doanh nghiệp, Chính phủ, các Bộ, ngành và thành phố đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ chưa có tiền lệ, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, quá trình triển khai rất chậm và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Để tận dụng các nguồn lực hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 cần được nghiên cứu, xem xét kỹ để khi triển khai thực sự “trúng đích” hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do COVID-19 mang lại.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các Sở ngành, tính đến đầu tháng 12/2020, toàn thành phố đã có hơn 254.600 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất và vay mới với dư nợ gần 800.000 tỷ đồng; đồng thời, cũng đã có 256.000 doanh nghiệp, tổ chức được gia hạn thuế và tiền thuê đất trên 8.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ người lao động thông qua doanh nghiệp cũng đã được triển khai, kịp thời hỗ trợ nhiều doanh nghiệp ngăn đà phá sản, duy trì sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội dưới tác động của dịch bệnh.

Tuy vậy, việc triển khai gói hỗ trợ số 1 được nhận định vẫn chưa thực sự trúng đích khi nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực không tiếp cận được các gói hỗ trợ.

Chuyện vay vốn của doanh nghiệp

Sở hữu 4 tàu du lịch 5 sao hoạt động trên sông Mekong và sông Sài Gòn trị giá lên tới 200 tỷ đồng, với lợi nhuận hàng năm khoảng 25 tỷ đồng, thế nhưng Công ty cổ phần Du thuyền Viet Princess vẫn không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng sau khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo ông Trương Quang Cường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Du thuyền Viet Princess, thời điểm dịch chưa bùng phát, doanh thu của công ty chuyển qua ngân hàng lên tới hàng trăm tỷ đồng, khi đó rất nhiều ngân hàng ngỏ ý muốn cho vay vốn. Hiện nay, 3 tàu chuyên đón khách quốc tế từng chiếm khoảng 85% doanh thu phải nằm bờ vì dịch, công ty muốn đem thế chấp vay vốn nhưng lại bị ngân hàng từ chối.

Ông Cường cho biết họ cho rằng công ty kinh doanh lĩnh vực đặc thù, rủi ro cao nên không được thế chấp du thuyền để vay tiền. Trong khi đó, những chiếc tàu này hằng tháng vẫn phải tốn chi phí duy trì, bảo dưỡng, trả phí neo đậu, đăng kiểm hằng năm.

['Vực dậy' ngành du lịch Việt Nam trong mùa cuối năm 2020]

“Cũng may, một trong số 4 chiếc tàu hiện vẫn đang còn duy trì hoạt động, nhưng doanh thu cao nhất cũng chỉ đạt 25% nên công ty hiện đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động. Thậm chí, hàng tháng công ty đang phải bù lỗ tới 1,5 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động, các thành viên Hội đồng quản trị phải lấy tài sản cá nhân đem thế chấp vay ngân hàng, nhưng không biết có thể cầm cự được bao lâu,” ông Cường chia sẻ.

Không chỉ riêng Viet Princess kinh doanh dịch vụ đặc thù, mà nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng để duy trì hoạt động.

Thậm chí, theo phản ánh của nhiều đơn vị lữ hành, mặc dù là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong khủng hoảng COVID-19, thế nhưng họ vẫn không vay được vốn ngân hàng chứ đừng nói đến các gói vay với lãi suất ưu đãi.

Theo ông Trần Văn Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Du lịch Việt, đặc điểm của các doanh nghiệp lữ hành là chỉ tổ chức tour tuyến và không có quá nhiều vốn, thay vào đó họ có “thương hiệu” và “con người.” Dưới góc nhìn của các ngân hàng, những trường hợp không có tài sản thế chấp như vậy rất khó được vay vốn. Ngay các quỹ đầu tư, công ty tài chính cũng chỉ quan tâm rót vốn vào resort, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vận chuyển…

Tuy nhiên, ông Long cho rằng nếu không có các doanh nghiệp lữ hành tổ chức, khai thác tour để quảng bá du lịch thì sẽ không có khách quốc tế vào Việt Nam cũng như không có khách nội địa có đi tour trong nước. Rõ ràng, lữ hành là một phần quan trọng trong chuỗi liên kết du lịch, thế nhưng lại là đối tượng đang gặp khó khăn nhất trong câu chuyện tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố giảm gần 85% so với cùng kỳ 2019, chỉ đạt 14,5% kế hoạch năm. Lượng khách du lịch nội địa cũng giảm trên 54%. Doanh thu du lịch theo đó cũng giảm 40% so với cùng kỳ 2019, chỉ đạt khoảng 57% kế hoạch thực hiện của năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó do tác động của đại dịch, Nhà nước đã ban hành nhiều gói hỗ trợ như: gói 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động ngừng việc… Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn thành phố mới có khoảng 453 cơ sở lưu trú được hỗ trợ giảm giá điện; 600 hướng dẫn viên du lịch nhận được gói hỗ trợ; 21 doanh nghiệp được hỗ trợ giảm phí, lệ phí.

Về nguồn vốn từ ngân hàng, đại diện Sở Du lịch thành phố cho biết, đã có nhiều doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay theo nội dung của Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp được vay mới để duy trì hoạt động lại không nhiều, do phần lớn doanh nghiệp du lịch đều không có tài sản thế chấp.

Hỗ trợ còn nhiều bất cập

Những con số trên cho thấy ngành du lịch và các doanh nghiệp đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực và nặng nề trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Thế nhưng, nhìn vào số liệu và những phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành có thể thấy chính sách hỗ trợ và mức độ ưu tiên trong việc tiếp cận nguồn vốn vẫn còn nhiều bất cập.

“Thực tiễn triển khai cho thấy những chính sách hỗ trợ cần được sửa đổi nhiều hơn để doanh nghiệp tiếp cận được. Chúng ta sợ có tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi nên thường quy định rất chặt chẽ. Đó cũng là rào cản để chính sách đi vào cuộc sống,” bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Để gói hỗ trợ đến đúng doanh nghiệp: Vẫn chưa trúng đích ảnh 2Nhiều con phố ở Thành phố Hồ Chí Minh vắng vẻ trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thực tế không chỉ riêng đối tượng doanh nghiệp du lịch, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang chật vật với bài toán hoạt động sản xuất và tìm kiếm cơ hội tiếp cận với các chính sách hỗ trợ.

Theo ông Lê Trung Dũng, Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Nam Việt, năm 2020 là một năm khó khăn đối với hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khi không tìm được khách hàng, nguồn lực tài chính hạn hẹp. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì hoạt động cầm chừng chứ không thể phát triển mở rộng. Thị trường tiêu thụ nội địa hầu như đứng hẳn trong khi đó doanh nghiệp mới tiếp cận xuất khẩu thì phải đối mặt với việc hạn chế giao thương do COVID-19.

Ông Dũng cho biết thông tin về các gói hỗ trợ từ trung ương lẫn địa phương doanh nghiệp đều có nghe nhưng thực thế doanh nghiệp vẫn chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào.

“Tôi đã hỏi khoảng 10 doanh nghiệp mình quen biết, có quy mô nhỏ, siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch COVID-19, nhưng chưa có ai nhận được hỗ trợ gì. Đối với việc vay vốn ngân hàng, thực tế lãi suất cho vay vẫn không giảm nên không thể xem là hỗ trợ. Trước đó, chúng tôi có nghe thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thời gian nộp bảo hiểm, tuy nhiên thực tế doanh nghiệp không được hỗ trợ, chỉ cần chậm nộp một ngày là cắt luôn,” ông Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tất cả các báo cáo của các cơ quan đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đều có số liệu rất đẹp, hoàn thành 100% các chỉ tiêu hỗ trợ, số tiền cũng rất lớn nhưng thực tế đó là chương trình hỗ trợ cho các đối tượng được xác định sẵn như người lao động mất việc làm, gia đình chính sách...

Trong khi đó, đối với nhóm doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ vay trả lương cho người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 của Chính phủ thì được báo cáo "không có phát sinh."

“Rõ ràng, đây là sự bất hợp lý bởi ở thời điểm này, doanh nghiệp cần nhất là có tiền trả lương để giữ chân người lao động, đặc biệt là đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu thiệt hại nặng như dịch vụ lưu trú, du lịch… Nói đúng hơn, gói hỗ trợ vay trả lương cho người lao động đã không được triển khai hoặc điều kiện, thủ tục cho vay không phù hợp nên dù doanh nghiệp có nhu cầu thì cũng không được vay,” ông Tuệ nói.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19 được xem là “chính sách thời chiến,” đòi hỏi sự nhanh nhạy, kịp thời để cứu doanh nghiệp qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp muốn vay phải làm đơn, thủ tục, báo cáo các kiểu rất phức tạp, rườm rà và cuối cùng là không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện để được cho vay.

Về phía các ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, các ngân hàng hiện đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao dẫn đến các khoản vay vẫn ưu tiên doanh nghiệp có tài sản đảm bảo hoặc có lịch sử tín dụng uy tín lâu dài với ngân hàng.

Do vậy, một số doanh nghiệp dù đang gặp khó khăn do COVID-19 song không có doanh thu hoặc dòng tiền khó xác định thì vẫn khó được vay mới từ ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục