ĐBSCL chịu tổn thất lớn nhất từ các dự án chuyển nước sông Mekong

Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ gánh chịu tổn thất lớn nhất khi các kế hoạch chuyển nước sông Mekong của các quốc gia trong khu vực được triển khai.
ĐBSCL chịu tổn thất lớn nhất từ các dự án chuyển nước sông Mekong ảnh 1Nhiều cánh đồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long bị chết do khô mặn lịch sử. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Bên cạnh hệ thống thủy điện công suất lớn của Trung Quốc ở vùng đầu nguồn sông Mekong (Lan Thương) và 12 đập thủy điện dự kiến hoặc đang được xây dựng trên dòng chính, các kế hoạch chuyển nước sông Mekong để mở rộng canh tác nông nghiệp của các quốc gia trong khu vực cũng đang triển khai. Điều này sẽ gây tác động xấu về nhiều mặt cho các quốc gia dưới hạ lưu, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ phải gánh chịu tổn thất lớn nhất.

Thông tin này được Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) đưa ra trong chương trình "Nhịp cầu báo chí - Rủi ro tiềm ẩn từ các dự án chuyển nước sông Mekong tới Đồng bằng sông Cửu Long," tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội.

Báo cáo của Trung tâm Con người và Thiên nhiên cho biết đầu năm 2016, Thái Lan khởi động việc bơm nước tại các tỉnh Nong khai và Loei. Tuy vậy, đây chỉ là các trạm bơm nhỏ trong các kế hoạch chuyển nước quy mô lớn hơn rất nhiều dự kiến được triển khai trong các thời gian tới. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang khởi động việc xem xét các dự án quy mô lớn chuyển nước sông Mekong sang lưu vực khác.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng Campuchia cũng đang ráo riết đầu tư vào các dự án tưới tiêu theo hướng lấy nước hoặc giữ nước từ Mekong nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trong mùa khô năm 2015-2016 đã phải đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua.

Ngoài tác động của El Nino cực đoan thì những tác động tích lũy ban đầu của các dự án phát triển (thủy điện, chuyển nước, lấy nước) ở vùng thượng lưu sông Mekong cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo số liệu do ông Nguyễn Nhân Quảng - nguyên Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam, hiện là chuyên gia độc lập quản lý lưu vực sông cung cấp, Thái Lan là nước có nhiều công trình tưới tiêu nhất (6.388 công trình) và diện tích tưới đứng thứ 2 sau Việt Nam.

Do nguồn nước mặt ở các sông hạn chế nên Thái Lan dự định thực hiện thêm 990 dự án nữa ở vùng Đông Bắc, chủ yếu là chuyển/bơm nước từ sông Mekong. Campuchia đang đầu tư và hợp tác với nước ngoài xây dựng các hệ thống đầu mối và kênh mương, đa số thuộc lưu vực Mekong; diện tích tưới ở Campuchia là 504.245 ha, đến 2030 sẽ mở rộng thêm 772.499 ha.

Lào có diện tích tưới là 166,476 ha, theo kịch bản phát triển đến 2030 sẽ mở rộng thêm 213.062 ha và dự kiến các dự án tưới mới cho 23.617ha.

Còn tại Việt Nam, diện tích tưới hàng năm gần 1,92 triệu ha (chiếm 48% tổng diện tích đất được tưới ở lưu vực sông Mekong).

Theo kịch bản phát triển đến 2030, sẽ có thêm 339 dự án tưới quy mô nhỏ ở lưu vực Sê San, Srepok với diện tích tăng thêm125.165ha. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích tưới ở Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn chế do quỹ đất và các yếu tố khác (xâm nhập mặn, đất phèn...)

Các dự án chuyển nước từ sông Mekong gồm hai loại, là chuyển nước từ lưu vực sông Mekong sang lưu vực sông khác; chuyển nước trong lưu vực sông Mekong từ bờ trái sang bờ phải, từ bờ phải vào sâu trong nội địa với nhiều tuyến khác nhau.

Theo ông Nguyễn Hồng Toàn - chuyên gia Ủy ban sông Mekong Việt Nam, nếu như Campuchia xây dựng đập, điều này sẽ đe dọa đến Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, việc hợp tác, cùng nhau chia sẻ thông tin về sử dụng tài nguyên sông Mekong giữa các nước trong Ủy hội là rất cần thiết.

ĐBSCL chịu tổn thất lớn nhất từ các dự án chuyển nước sông Mekong ảnh 2Cánh đồng lúa ở xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Thanh Liêm/TTXVN)

Bà Đặng Thị Hà Giang - chuyên gia Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho rằng xung đột quyền lợi giữa các quốc gia là khó tránh khỏi nên các dự án chuyển nước phải được tính toán, thỏa thuận giữa các bên liên quan. Lưu vực sông Mã và sông Hồng có thể xây dựng hồ chứa giữ nước. Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong hạ lưu sông Mekong, trong khi nhu cầu sử dụng nước vùng thượng lưu ngày càng gia tăng.

Mùa khô năm 2015-2016, hạ lưu vực sông Mekong nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã trải qua hạn hán lịch sử. Theo chuỗi số liệu khí tượng thủy văn, đợt hạn này xuất hiện với tần suất gần 100 năm. Hạn hán ở khu vực này càng thêm khốc liệt khi nước mặn xâm nhập sâu vào trong đất liền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế-xã hội. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có tác động của El Nino cực đoan diễn ra trên diện rộng và những tác động tích lũy của các dự án phát triển ở vùng thượng lưu sông Mekong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục