Đầu máy, toa xe đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông về tới Việt Nam

Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt xác nhận, 2 đầu máy và 2 toa chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đã chính thức về tới Việt Nam.
Đầu máy, toa xe đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông về tới Việt Nam ảnh 1Mẫu tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được trưng bày lấy ý kiến của người dân. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trao đổi với VietnamPlus sáng 13/2, ông Vũ Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định, 2 đầu máy và 2 toa chở khách thuộc dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) đã chính thức cập cảng Hải Phòng vào chiều 12/2.

“Sau khi làm thủ tục, 16 giờ chiều cùng ngày các thiết bị được bốc xếp lên bờ. Lô hàng này đang chờ làm thủ tục thông quan để vận chuyển lên Hà Nội. Dự kiến trong 1-2 ngày tới sẽ về tới địa điểm tập kết tại quận Hà Đông,” ông Phương cho hay.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt, đây là mã hàng đầu tiên và còn 50 toa tàu chở khách sẽ được nhà thầu tiếp tục vận chuyển về Việt Nam. Được biết, trọng lượng mỗi đầu máy 35 tấn, dài 19m, cao 3,8m, rộng ngang 2,8m. Toa chở khách nặng 32 tấn, các thông số khác đều giống đầu máy.

Công ty Hoàng Ngọc Phát, doanh nghiệp có chiếc xe siêu trường, siêu trọng là đơn vị ký kết hợp đồng vận chuyển toàn bộ số đầu máy, toa chở khách bằng đường bộ từ Hải Phòng lên Hà Nội.

Đơn vị đã xin được giấy phép lưu hành đặc biệt đối với lô hàng siêu trường, siêu trọng này. Bộ Giao thông Vận tải đã cấp phép vận chuyển lộ trình từ cảng Hạ Long theo Quốc lộ 5 cũ, rẽ về Quốc lộ 10, qua Thái Bình, sau đó đi qua Phủ Lý (Hà Nam), ra Quốc lộ 1A cũ rồi về Hà Nội.

Ngay sau khi hoàn thành các thủ tục, doanh nghiệp Hoàng Ngọc Phát sẽ tiến hành vận chuyển lô hàng này lên Hà Nội. Địa điểm tập kết sẽ là đường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội)./.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được khởi công ngày 10/10/2011, chịu động đất cấp 8. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh là 868,04 triệu USD (18.001 tỷ đồng).

Toàn tuyến có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến.

Dự án được khởi công từ tháng 10/2009, dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi đến năm 2018 mới khai thác thương mại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục