Ông Giorgos Chatzifotiadis đã phải xếp hàng tại ba ngân hàng ở thành phố Thessaloniki, Hy Lạp vào thứ Sáu (3/7) vừa rồi với hy vọng rút được 120 euro (133 USD) tiền trợ cấp cho vợ mình, nhưng vô ích.
Khi nhận được câu trả lời tương tự ở ngân hàng thứ tư, ông đã gục xuống và khóc.
Cụ ông 77 tuổi chia sẻ với AFP rằng ông đã bật khóc vì “không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này.”
“Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy buồn bã đến vậy, hơn cả vì những vấn đề của cá nhân tôi,” ông Chatzifotiadis chia sẻ.
Hình ảnh ông ngồi ngoài cửa ngân hàng, khóc trong tuyệt vọng giữa đường phố, sổ tiết kiệm và thẻ căn cước nằm trên mặt đất đã được một nhiếp ảnh gia của hãng AFP chụp lại. Bức ảnh cho thấy những khó khăn mà người dân Hy Lạp đang phải chịu trong cuộc khủng hoảng nợ của nước này.
Athens đã áp đặt lệnh kiểm soát vốn và đóng cửa tất cả các ngân hàng bắt đầu từ thứ Hai vừa qua để ngăn chặn chảy máu tiền mặt, nhưng đã cho phép một số chi nhánh mở cửa trở lại vào hôm thứ Tư để những người về hưu có thể tới ngân hàng để rút tiền lương hưu với giới hạn là 120 euro.
Kể lại quá trình đi từ ngân hàng này tới ngân hàng khác để rút tiền lương hưu cho vợ mà không có kết quả, ông Chatzifotiadis cho biết khi nhân viên ở ngân hàng thứ tư nói với ông rằng ông không thể rút được tiền, ông đã sụp xuống.
Giống như rất nhiều người ở phía bắc Hy Lạp, cả ông và vợ đã dành vài năm ở Đức, nơi hai vợ chồng từng “làm việc rất chăm chỉ” tại một mỏ than và sau đó là tại một xưởng đúc.
Lương hưu mà ông Chatzifotiadis đang cố gắng đi lĩnh được gửi tới từ Đức - quốc gia bị nhiều người dân Hy Lạp đổ lỗi vì lập trường cứng rắn trong việc yêu cầu chính phủ áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng để đổi lấy viện trợ quốc tế mới.
“Tôi đã thấy đồng bào mình đi xin một vài xu để mua bánh mì. Tôi đã thấy có ngày càng nhiều vụ tự tử. Tôi là một người nhạy cảm. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy đất nước mình trong tình cảnh này,” ông Chatzifotiadis chia sẻ.
“Châu Âu và Hy Lạp đều đã mắc sai lầm. Chúng ta cần phải tìm kiếm một giải pháp,” ông nói thêm. Nhưng ông Chatzifotiadis cảm thấy mình chẳng thể làm gì để thay đổi được tình thế hiện tại - ông thậm chí còn không chắc liệu mình có thể đi bỏ phiếu tại cuộc trưng cầu vào Chủ nhật về việc chấp nhận những điều kiện do các chủ nợ quốc tế đặt ra hay không.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo rằng mỗi phiếu bầu “Không” là một phiếu bầu cho Hy Lạp tách khỏi khu vực đồng tiền chung euro.
Ông Chatzifotiadis cho biết trạm bỏ phiếu cách nhà ông tới 80km, và nói thêm rằng: “Tôi không có tiền để đi tới đó, trừ phi các con tôi cho tôi đi nhờ xe của chúng.”/.