Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu dành vốn hỗ trợ ODA (Hỗ trợ phát triển chính thức) cho Việt Nam (năm 1992), lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải luôn nhận được sự ưu tiên. Nhờ nguồn vốn này cùng với các nguồn vốn ODA của các tổ chức khác đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển hệ thống giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Tăng năng lực giao thông và cảng biển
Ông Mori Mutsuya, Trưởng Đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cho biết, đặc điểm nổi bật của viện trợ ODA Nhật Bản là luôn liên kết chặt chẽ hai hình thức hợp tác: Hợp tác kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí. Hiện Nhật Bản là nước đứng đầu về cung cấp nguồn vốn ODA cũng như đầu tư tại Việt Nam.
Theo thống kê giai đoạn từ 1992-2012, tổng nguồn vốn ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam là 2.084 tỷ yên, trong đó lĩnh vực giao thông chiếm tỷ lệ 43%, đứng sau đó là môi trường, y tế chiếm tỷ lệ 15%, khai khoáng 3%, nông-lâm-thủy sản 2%...
“Các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế quy mô lớn trong lĩnh vực giao thông đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân thông qua tăng trưởng kinh tế và điều này đã minh chứng cho các thành quả ODA Nhật Bản trong 20 năm qua,” ông Mori Mutsuya lý giải về sự ưu tiên của dòng vốn ODA Nhật vào lĩnh vực giao thông vận tải.
Các dự án được vay vốn ưu đãi của Nhật Bản trải dài trên toàn quốc. Tại Hà Nội có các dự án như cầu Thanh Trì, đường vành đai 3, Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài, cầu Nhật Tân… và mạng lưới quốc lộ nối các thành phố chính ở khu vực miền Bắc như Hà Nội và Hải Phòng đã được hoàn thiện, góp phần cải thiện môi trường đầu tư ở Hà Nội và khu vực phía Bắc.
Với nhiều cây cầu trên Quốc lộ 1 và tuyến đường sắt thống nhất Bắc Nam được xây dựng và nâng cấp cùng với hầm đường bộ Hải Vân ở miền Trung, cầu Cần Thơ ở khu vực sông Mekong, giao thông nối hai miền Nam Bắc của Việt Nam đã được cải thiện một cách đáng kể, góp phần phát triển kinh tế xã hội của từng khu vực.
Ngoài ra, 3 cảng quốc tế quan trọng là cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), cảng Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), cảng Đà Nẵng ở miền Trung và nhà ga Sân bay Tân Sơn Nhất, cửa ngõ hàng không và cảng biển của Việt Nam cũng đã được xây dựng...
Trong các dự án ODA kể trên, ông Mori Mutsuya rất ấn tượng với dự án xây dựng đường vành đai 3 của thủ đô Hà Nội được thông xe vào tháng 10/2012.
“Dự án đã áp dụng và phát huy công nghệ kỹ thuật hiện đại của doanh nghiệp Nhật Bản. Thời gian thi công dự kiến ban đầu là 30 tháng nhưng đã được rút xuống còn 15 tháng. Đây là một ví dụ tốt cho các dự án ODA sau này về mặt chất lượng thi công và quản lý an toàn…” - ông Mori Mutsuya chia sẻ.
Về dự án Xây dựng Cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải khởi công vào cuối năm 2008 và khánh thành đầu năm 2013 với tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng, trong đó có một phần rất lớn là vốn ODA từ Nhật Bản, đây là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam.
JICA đã hỗ trợ dự án ngay từ khi xây dựng kế hoạch đến thiết kế và thi công. Cảng mới này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò là cửa ngõ quốc tế của khu vực sông Mekong bao gồm cả Campuchia và Thái Lan, thông qua hành lang kinh tế phía Nam.
Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang tập trung cho hai công trình trọng điểm được xây dựng bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, đó là công trình cầu Nhật Tân và Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Công trình cầu Nhật Tân được Chính phủ xác định là công trình trọng điểm quốc gia.
Cầu Nhật Tân sau khi hoàn thành kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc, đồng thời rút ngắn tuyến đường từ trung tâm Thủ đô đến sân bay Nội Bài. Dự án công trình xây dựng Nhà ga hành khách T2 của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài có tổng đầu tư gần 900 triệu USD, trong đó có gần 700 triệu USD là từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản, sau khi hoàn thành đáp ứng 10 triệu hành khách/năm. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 năm nay.
Đón dòng ODA mới từ Nhật Bản
Có thể nói, hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn ODA đối với các dự án hạ tầng giao thông là cơ sở để có thêm nhiều dự án mới sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản được triển khai trong thời gian tới.
Cụ thể, JICA đang tiến hành thẩm định vốn vay Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng - giai đoạn II. Được kỳ vọng là một trong những công trình cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam, Cảng Tiên Sa giai đoạn II có tổng mức đầu tư khoảng 100-120 triệu USD.
Dự án này bao gồm việc xây dựng các bến tàu container trọng tải 50.000 DWT, tàu tổng hợp trọng tải 30.000 DWT đến 70.000 DWT và tàu khách trọng tải tới 100.000 GRT; xây dựng hệ thống kho bãi, hạng mục công trình trên diện tích 16,34 ha; nạo vét luồng, khu nước trước bến, vũng quay tàu…
Ông Nguyễn Thanh Vân, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án 85- đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao chuẩn bị đầu tư dự án cho biết: Hy vọng công trình sẽ sớm nhận được sự đồng thuận của nhà tài trợ do cảng Tiên Sa hiện nay sắp quá tải sau một thời gian dài tăng trưởng liên tục 20%/năm.
Ngoài dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã đề nghị đưa thêm 3 dự án mới ưu tiên vào đợt 2 tài khóa 2014 vay vốn ODA Nhật Bản gồm: xây dựng trung tâm điều hành ITS cho mạng lưới đường cao tốc khu vực phía Bắc (6,8 tỷ yen); Tín dụng ngành giao thông vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 3 - thay thế 100 cầu yếu trên các quốc lộ (30 tỷ yen); xây dựng 2,7km kết nối Đại lộ Đông-Tây (Thành phố Hồ Chí Minh) đến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương (10 tỷ yen).
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan triển khai những biện pháp nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý vốn vay. Cùng với đó, Bộ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản sớm đưa vào sử dụng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Danh mục 29 dự án hạ tầng giao thông vừa được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản giai đoạn 2014-2016, với tổng mức đầu tư lên tới 470 tỷ yên (6 tỷ USD). Cụ thể, trong danh mục 29 dự án dự kiến vay ODA Nhật Bản, có tới 15 dự án mới với quy mô vốn lớn như đường cao tốc Bắc Nam đoạn (Trung Lương-Mỹ Thuận); cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội-Nội Bài; đường cao tốc Bắc Nam đoạn Nha Trang-Phan Thiết.
Theo đánh giá, các dự án thuộc danh mục nói trên đều là những công trình cần được ưu tiên đầu tư do có sức lan tỏa, hiệu quả kinh tế-xã hội lớn và nhất là phù hợp với tiêu chí cho vay của JICA.
“Trong khi ngân sách còn đang khó khăn, nguồn vốn ODA đến từ Nhật Bản với lãi suất thấp vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với ngành Giao thông Vận tải,” ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định./.