Liên minh Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - đảng Dân chủ Đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE) cầm quyền của cựu Thủ tướng Nikola Gruevski ngày 30/4 đã cáo buộc phe đối lập Liên minh Dân chủ Xã hội Macedonia (SDSM) âm mưu tiến hành đảo chính bằng cách bầu ra một chủ tịch quốc hội mới một cách bất hợp pháp.
Kênh truyền hình Macedonia "Alsat-M" dẫn lời nghị sỹ Vladimir Gorchev, thuộc VMRO-DPMNE cầm quyền, cho rằng SDSM đã vi phạm các nguyên tắc dân chủ khi ngày 27/4 vừa qua tuyên bố ông Talat Xhaferi, nghị sỹ thuộc "Liên minh Dân chủ vì sự liên kết" của người gốc Anbania, là Chủ tịch Quốc hội mà không tiến hành các thủ tục bỏ phiếu cần thiết.
Theo ông Gorchev, các nghị sỹ dân chủ xã hội đã cố tình thực hiện "bạo lực chính trị," một hành vi dẫn đến việc sử dụng vũ lực và theo ông, "không thể biện minh cho bất kỳ kiểu bạo lực nào."
[Tổng thống Macedonia gặp gỡ các giáo phái để tháo gỡ căng thẳng]
Hành động này đã khiến phong trào "Vì sự thống nhất của Macedonia" tiến hành cuộc biểu tình phản đối tại trụ sở Quốc hội Maxedonia, một số người đã xông vào hội trường của quốc hội, dẫn tới tình trạng lộn xộn, làm ít nhất 109 người bị thương, trong đó các nghị sỹ, cảnh sát và người biểu tình.
Bộ Nội vụ Macedonia cùng ngày 30/4 đã buộc tội 15 người biểu tình có hành vi "tấn công và cản trở hoạt động của cơ quan lập pháp" và đã bắt giam 5 người.
Cuộc bầu cử hồi tháng 12/2016 đã mang lại cho đảng VMRO-DPMNE bảo thủ 51 ghế trong Quốc hội gồm 120 ghế, nhiều hơn 2 ghế so với SDSM. Tuy nhiên, phe bảo thủ đã không thể đạt được thỏa thuận với các đảng sắc tộc Albania, vốn có vai trò then chốt trong việc thành lập chính phủ.
SDSM sau đó đã giành được sự ủng hộ của các đảng sắc tộc Albania, giúp lãnh đạo đảng này Zoran Zaev kiểm soát 67 ghế trong Quốc hội và mở đường cho việc thành lập chính phủ.
Tuy nhiên, các đảng sắc tộc Albania bị Tổng thống Gjorge Ivanov chỉ trích vì yêu sách đưa tiếng Albania thành ngôn ngữ chính thức tại Macedonia. Tổng thống Ivanov đã tuyên bố không trao quyền thành lập chính phủ cho SDSM và các đảng sắc tộc Albania, với lý do không trao quyền vào tay những người ủng hộ cương lĩnh làm tổn hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Macedonia.
Quyết định này đã đẩy Macedonia chìm sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị suốt từ đầu tháng 3 đến nay. Trong khi đó, đề xuất của các đảng thiểu số người gốc Albania cũng đã dẫn tới các cuộc biểu tình trong nhiều ngày liên tiếp, với sự tham gia của hàng nghìn người tại thủ đô Skopje và một số thành phố khác để phản đối yêu cầu này, vì lo ngại về nguy cơ "liên bang hóa" cũng như đất nước tan vỡ./.