Đàm phán tháo gỡ khủng hoảng dư thừa thép: Kết thúc thất bại

Cuộc đàm phán lần đầu tiên giữa các nước sản xuất thép hàng đầu về tình hình dư cung trên thị trường đã thất bại, trong bối cảnh Trung Quốc bác bỏ thông tin rằng nước này trợ giá cho ngành thép.
Đàm phán tháo gỡ khủng hoảng dư thừa thép: Kết thúc thất bại ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy thép Saint-Gobain PAM ở Pont-a-Mousson, Đông Bắc Pháp ngày 12/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/4, các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nguồn cung thép dư thừa hiện nay.

Tham gia cuộc họp có giới chức Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Anh, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội Thép thế giới và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - đồng chủ trì cuộc họp với Bỉ.

Đây là lần đầu tiên các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới ngồi lại với nhau để thảo luận về thực trạng dư cung trên thị trường.

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Sajid Javid cho biết Trung Quốc "rõ ràng nhận ra rằng đã có thực trạng cung quá mức" tại cường quốc châu Á này.

Theo ông Javid, Trung Quốc "cam kết sẽ làm điều gì đó" và ông cho rằng đây là một bước đi tích cực.

Ông Javid cũng thừa nhận sẽ không có "giải pháp chóng vánh" cho vấn đề dư thừa thép trên thế giới hiện nay.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này trợ giá cho ngành thép bị thua lỗ và cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Theo số liệu chính thức, khả năng sản xuất thép của Trung Quốc chỉ đạt khoảng trên 1,1 tỷ tấn mỗi năm, song giới chuyên gia cho rằng đó chưa kể đến khoảng 100 triệu tấn thép khác được sản xuất phi pháp.

Năm ngoái, Bắc Kinh xuất khẩu 110 triệu tấn thép, con số kỷ lục này cao gấp 10 lần sản lượng thép của Anh.

Do đó, Trung Quốc đang đối mặt với ngày càng nhiều sức ép từ quốc tế kêu gọi nước này chấm dứt tình trạng dư thừa nguồn cung thép đang gây "lụt" thị trường và đẩy các nhà sản xuất nước ngoài vào "đường cùng."

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, thu hẹp nguồn cung thép không phải là việc có thể làm ngay, thậm chí quá trình này có thể kéo dài hàng năm.

Hơn nữa, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn với tốc độ tăng trưởng chạm "đáy" của 25 năm, cùng những bất ổn trên thị trường lao động, nước này chắc chắn không muốn tạo ra thêm bất ổn xã hội qua việc sa thải thêm hàng triệu lao động trong ngành thép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục