Đại biểu Quốc hội: Nếu làm án oan sai phải chịu hình phạt tương ứng

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá, nếu không có ghi âm ghi hình đầy đủ sẽ dễ bị mớm cung, nhục hình. Đặc biệt là quan điểm của các cơ quan tư pháp, nếu thống nhất một chiều thì dễ dẫn đến oan sai.
Đại biểu Quốc hội: Nếu làm án oan sai phải chịu hình phạt tương ứng ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, đoàn Trà Vinh đang trả lời báo chí (Ảnh: Vietnam+)

Trao đổi với VietnamPlus, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, nếu công tác tư pháp làm oan sai mà chỉ chuyển công tác, hạ bậc lương là không tương xứng, không tạo được lòng tin của người dân.

Quy rõ trách nhiệm cá nhân

- Thưa bà, tình trạng mớm cung, nhục hình, cũng như án oan sai là một vấn đề nổi cộm gần đây, vậy qua khâu giám sát, bà đánh giá thế nào về trách nhiệm của các cơ quan tư pháp khi để xảy ra các vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Theo báo cáo giám sát về tình hình oan sai thì tôi thấy có một số nguyên nhân, thứ nhất về trình độ của một số cán bộ chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ và trong trình độ đó nó kèm theo một số về đạo đức nghề nghiệp, nó liên quan đến một số lợi ích.

Thứ hai, việc thống nhất một chiều giữa cơ quan điều tra và cơ quan Viện Kiểm sát, có nghĩa rằng thống nhất theo một chiều với nhau mà chúng ta chưa tìm những lý do, những điều kiện để làm rõ, có thể nếu hai cơ quan đồng ý với nhau thì coi như là xong.

Thứ ba, tôi thấy một số trường hợp vụ án lớn, vụ án có tình tiết nghiêm trọng thì chưa được làm rõ bằng việc ghi âm, ghi hình nên dễ dẫn đến tùy tiện và kể cả dẫn đến những trường hợp ép cung, nhục hình.

Một trường hợp nữa là việc sợ bồi thường, cho nên có những trường hợp sợ bồi thường nên có thể ý kiến các cơ quan vẫn một chiều với nhau.

Tôi thấy tình hình oan sai phải thực sự khắc phục, và khắc phục bằng cách nào đây? Trước nhất, bộ máy phải làm sao cho ngang tầm nhiệm vụ. Tiếp đến là phải trong sạch, tức là đạo đức nghề nghiệp phải trong sạch.

Nhưng các trường hợp oan sai gần đây tôi thấy rằng thực hiện theo luật bồi thường nhà nước nhưng trách nhiệm cá nhân chưa rõ, đây là điều tôi rất suy nghĩ, vì nếu làm oan sai thì tiền nhà nước bồi thường nhưng bản thân người đó chỉ bị một hình thức nhẹ nào đó thôi mà chưa quy trách nhiệm.

Cụ thể là nếu làm oan sai thì anh phải chịu bao nhiêu trách nhiệm tiền bồi thường, trong đó hoặc anh chịu trách nhiệm hình sự ngang tầm với việc anh làm oan sai cho người khác, nên theo tôi, việc giám sát lần này phải chỉ ra cho được và các cơ quan chức năng cũng phải đưa ra giải pháp thực sự.

- Nhiều ý kiến cho rằng để chống oan sai thì phải thực hiện ghi âm, ghi hình, ý kiến của bà như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Tôi đồng ý ghi âm ghi hình nhưng không phải tất cả các trường hợp. Đối với những trường hợp tội rõ ràng rồi, chứng cứ đầy đủ và người ta đã nhận tội thì khác. Còn đối với những tội đặc biệt nghiêm trọng, không quả tang, chứng cứ yếu và đặc biệt là liên quan đến nhiều người thì cần ghi âm, ghi hình đầy đủ trong quá điều tra.

Nếu không có ghi âm ghi hình đầy đủ thì sẽ dễ bị mớm cung, nhục hình hoặc người này đổ thừa khác sẽ dẫn đến oan sai. Đặc biệt là quan điểm của các cơ quan tư pháp tư, nếu họ thống nhất một chiều thì dễ dẫn đến oan sai.

"Chưa thể bồi thường được về tinh thần"

- Vấn đề oan sai rất phức tạp, có đơn lên cả Chủ tịch nước và những cơ quan cao hơn. Vậy có phải các cơ quan chức năng vẫn chưa làm hết trách nhiệm, thưa bà?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Tôi rất quan tâm đến vấn đề này, nhất là bồi thường oan sai. Bồi thường oan sai, chúng ta mới chỉ bồi thường về mặt vật chất, kinh tế chứ chưa thể bồi thường được về tinh thần. Mà thủ tục bồi thường cũng rườm rà và đặc biệt là sự thỏa thuận rất chậm.

Một người bị oan sai là mất mát rất nhiều không chỉ về tiền bạc mà có khi gia đình tan nát. Ngoài bồi thường theo quy định của Nhà nước, cần phải quy trách nhiệm những người làm oan sai.

- Vậy còn trường hợp các cơ quan điều tra bắt tay nhau để ép cung, bà nghĩ khi đã phát hiện thì nên xử lý như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Ngoài bồi thường về kinh tế, anh phải bị xử lý trách nhiệm. Anh làm người ta oan sai như thế, bản thân anh phải chịu hình phạt tương xứng. Chứ còn chuyển công tác, hạ bậc lương là không tương xứng, không tạo được lòng tin của người dân.

- Vấn đề oan sai có phải do chất lượng cán bộ điều tra các cấp?

Đại biểu Nguyễn Thị Khá: Mình không nói là tất cả nhưng một số là chưa ngang tầm. Thứ hai đạo đức người làm điều tra phải nghiêm minh, thẳng thắn chứ không thể méo mó, nghiêng chỗ này, nghiêng chỗ kia hoặc là vì lợi ích cá nhân, kinh tế.

Xin cảm ơn bà./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục