“Cuộc hành trình về nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua”

“Với một cách kể khác, tôi muốn thể hiện câu chuyện về Bác theo cách cảm nhận riêng của một người trẻ,” Bùi Tuấn Dũng chia sẻ về bộ phim mới hoàn thành - “Thầu Chín ở Xiêm.”
“Cuộc hành trình về nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua” ảnh 1Diễn viên Mạnh Trường trong vai Nguyễn Ái Quốc. (Ảnh: Đoàn làm phim)

“Với một cách kể khác, tôi muốn thể hiện câu chuyện về Bác theo cách cảm nhận riêng của một người trẻ,” Bùi Tuấn Dũng chia sẻ về bộ phim mới hoàn thành - “Thầu Chín ở Xiêm.”

Đạo diễn 7X chọn cho mình lối đi riêng khi tái hiện thời kỳ hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín (từ tháng 7/1928-11/1929). Trong thời gian này, cùng với những cộng sự của mình, Người xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).

Rất gần mà chưa thể về!

- Trong khi các đạo diễn trẻ thường tỏ ra “ái ngại” với những kịch bản thuộc dòng chính luận thì anh lại bền bỉ với mảng đề tài “khô” và “kén” người xem này. Bằng chứng là: sau “Đường thư,” “Những người viết huyền thoại” và “Đường lên Điện Biên,” Bùi Tuấn Dũng tiếp tục trình làng “Thầu Chín ở Xiêm.” Có lý do gì đặc biệt cho việc sở hữu bộ sưu tập ấn tượng này không, thưa anh?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi thực sự hứng thú với việc làm phim về đề tài chiến tranh, lịch sử dù việc này không hề đơn giản. Thế nhưng, vấn đề đặt ra càng khó thì lại càng kích thích tôi tìm tòi, học hỏi, suy ngẫm. Cuộc sống, con đường đi sẽ tẻ nhạt nếu như không có những thử thách mới.

Dù cùng thuộc mảng chính luận nhưng “Thầu Chín ở Xiêm” khác với những bộ phim trước ở chỗ: nó không phải là phim chiến tranh mà là phim tái hiện chân dung một nhân vật lịch sử vĩ đại.

Làm phim về Bác, về con đường hoạt động cách mạng của Người vừa là một niềm vinh dự vừa là một thách thức không nhỏ. Nhiều “cây đa, cây đề” của làng điện ảnh đã có những tác phẩm rất thành công về đề tài này.

- Vậy, anh tự tin khoảng bao nhiêu % về khả năng thành công của “Thầu Chín ở Xiêm” khi bộ phim được công chiếu chính thức?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Thành công của một bộ phim không thể do những người trực tiếp sản xuất nói mà được. Nó phải dựa vào sự đánh giá của công chúng.

“Cuộc hành trình về nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua” ảnh 2"Thầu Chín ở Xiêm" tái hiện thời kỳ hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Thái Lan (Ảnh: Đoàn làm phim)

- Một bộ phim thuộc mảng chính luận như “Thầu Chín ở Xiêm” thì đương nhiên sẽ không thể có những hình ảnh bạo lực hay cảnh “nóng” - những yếu tố vẫn được coi là dễ thu hút sự chú ý của người xem. Vậy, anh có cách gì bất ngờ để kéo khán giả đến với tác phẩm của mình?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Thực ra, công chúng thích những hình ảnh bạo lực hay cảnh “nóng” như bạn nói cũng chỉ là một bộ phận. Mỗi nhà làm phim sẽ có “võ,” “mẹo” riêng để lôi cuốn người xem.

Và cũng không phải cứ phim chiến tranh, lịch sử, chính luận thì khô khan, chỉ mang nặng tính tuyên truyền, giáo huấn. Những phim khai thác đề tài này hoàn toàn có thể được làm một cách hấp dẫn, nhẹ nhàng, mềm mại nhưng vẫn đảm bảo sự lắng đọng, súc tích…

Người Việt thường có thói quen: chưa dành thời gian xem phim đã tự dự đoán và mặc định trong đầu rằng phim không hay; rồi "lao xao" với nhau rằng, phim "cúng cụ" làm theo kiểu đặt hàng thì rất khô cứng.

Êkíp thực hiện “Thầu Chín ở Xiêm” đã chọn cách thể hiện thiên về cảm xúc, khai thác và tái hiện nhân vật ở góc độ tâm tư-tình cảm, tính cách, tránh kiểu hô hào khẩu hiệu suông.

Bởi vậy, “Thầu Chín ở Xiêm” có những cảnh quay tập trung thể hiện tâm trạng xúc động, bồn chồn, khắc khoải nhớ quê hương, đất nước của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc khi ở trên đất Thái Lan - đã rất gần Việt Nam mà vẫn chưa thể trở về sau 17 năm bôn ba nước ngoài.

Chúng tôi cố gắng kết nối cảm xúc trong một mạch truyện thống nhất. “Xúc động, lãng mạn” là những gì mà êkíp muốn thể hiện trong phim, để từ đó truyền xúc cảm đến cho người xem.

O Hoàn - một cô gái cảm mến nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc là nhân vật hư cấu. Sự xuất hiện của cô sẽ tạo không khí lãng mạn, để làm “mềm” bộ phim.

“Đã làm phim lịch sử thì phải chân thực”

- Anh không sợ điều này sẽ làm ảnh hưởng tới tính chân thực của một bộ phim lịch sử?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Trước khi bắt tay vào làm phim, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ sử liệu để đảm bảo “Thầu Chín ở Xiêm” trung thành với lịch sử. Trong phim, phần lớn các nhân vật có sự tương tác với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đều được xây dựng theo những nguyên mẫu ngoài đời thực.

Trong thời gian hoạt động ở Thái Lan, trước sự truy lùng của thực dân Pháp, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được nhân dân che chở. Cùng với các cộng sự, Người đã có những hoạt động tích cực để gắn kết cộng đồng người Xiêm gốc Việt; xây trường học, dạy chữ quốc ngữ cho những chiến sỹ khác... Diễn biến trong phim là sự nối kết những chi tiết có thực này.

Tôi luôn quan niệm, đã làm phim lịch sử thì phải đối diện và tôn trọng sự thật, tái hiện một cách chân thực từ góc nhìn khách quan.

“Cuộc hành trình về nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua” ảnh 3Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (ngoài cùng bên phải) cùng nhà quay phim Lý Thái Dũng (giữa) và diễn viên chính Mạnh Trường. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bên cạnh đó, chúng tôi đầu tư kỹ lưỡng cho việc xây dựng bối cảnh để mô phỏng được gần nhất hiện thực lịch sử trong thời kỳ Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

- Tôi nghĩ đây cũng không phải là một trở ngại lớn với anh bởi đồng hành với Bùi Tuấn Dũng luôn một êkíp dựng bối cảnh rất chuyên nghiệp. Điều này thể hiện khá rõ nét qua những bộ phim trước đây do anh đảm nhận vai trò đạo diễn!?

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Dù khai thác ở đề tài nào thì việc dựng bối cảnh cũng rất quan trọng. Để chinh phục công chúng, người làm phim cần tạo ra được một không gian với những nhân vật mà khi xem, khán giả cảm nhận rõ nét rằng: những nhân vật này thuộc về nơi ấy.

Phông văn hóa, dấu ấn lịch sử trong bối cảnh dựng lại ra đó phải chuẩn - đây là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu.

Trở lại với “Thầu Chín ở Xiêm,” để dựng lại bối cảnh cho bộ phim này, chúng tôi đã rong ruổi trên đất Thái Lan cả tháng trời, thực hiện cuộc hành trình về những nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua. Đoàn làm trò chuyện và quan sát cuộc sống của cộng đồng dân cư để hình dung rõ hơn về văn hóa, đời sống của nơi này.

Đoàn làm phim phải phục dựng lại một bến cảng ở Thái Lan có liên quan trực tiếp đến nhiều hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong thời gian 1928-1929. Hiện nay, trên thực tế, bến cảng này đã không còn và được thay thế bằng sân bay, khách sạn.

“Cuộc hành trình về nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi qua” ảnh 4Một cảnh quay tại Nghệ An. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bên cạnh đó, những đạo cụ như xe đạp, xe kéo… đều phải được làm mới (dựa theo mẫu lưu giữ, trưng bày tại các bảo tàng) bởi những hiện vật từ những năm đầu thế kỷ 20 đã không còn nguyên vẹn với số lượng rất ít.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!./.

“Thầu Chín ở Xiêm” sẽ được công chiếu chính thức tại chương trình khai mạc Tuần phim chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra tối 30/1 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Hà Nội).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục