Trong khi giáo dục luôn là vấn đề nóng gây nhiều bức xúc của người dân trong nước thì giáo dục Việt Nam lại được các chuyên gia quốc tế đánh giá khá cao, nhất là giáo dục phổ thông. Điều này khiến khá nhiều người vừa ngạc nhiên, vừa nghi hoặc.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hiệp, nghiên cứu sinh về giáo dục đại học, Đại học Văn hóa Trung Hoa, thành viên Dự án Trắc lượng khoa học Việt Nam (Scientometrics for Vietnam), từng là nghiên cứu viên tại trung tâm Nghiên cứi Giáo dục Đại học thuộc Đại học Melboune (Australia).
"Người dân chưa cảm thông cho giáo dục"
- Thưa ông, gần đây, giáo dục Việt Nam luôn nhận được những đánh giá cao của quốc tế, thậm chí được coi là hiện tượng giáo dục khi có kết quả giáo dục cao hơn hẳn các nước đang phát triển có chỉ số GDP tương đương. Kết quả này thể hiện cả ở giáo dục tinh hoa (thể hiện qua kết quả các kỳ thi Olympic) và giáo dục đại trà (thể hiện qua kết quả thi PISA).
Trong khi đó, giáo dục vốn nhận được rất nhiều phàn nàn từ người dân trong nước, nên nhiều người tỏ ra bất ngờ, thậm chí nghi hoặc.
Còn với bản thân ông, là người từng nghiên cứu khá sâu về giáo dục, ông cảm thấy như thế nào?
Ông Phạm Hiệp: Đúng là có nhiều người ngạc nhiên và nghi ngờ, nhưng cá nhân tôi không thấy ngạc nhiên điều này cũng như các kết quả thi.
PISA là một kỳ thi uy tín và được một tổ chức uy tín là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD thực hiện trong nhiều năm. Những người thiết kế bài thi bao gồm các nhà khoa học và những chuyên gia hàng đầu. Vì thế, tôi không nghi ngờ về kết quả.
Kết quả thi PISA của Việt Nam cao ở các môn Toán, Khoa học, đều là “kiến thức cứng”, mà Việt Nam vốn có truyền thống đào tạo tốt về vấn đề này; từ thiết kế chương trình đến đào tạo người thầy trong trường sư phạm, cách thức kiểm tra đánh giá của mình lâu nay đều hướng về việc đó. Do vậy, kết quả cao cũng là bình thường.
Tuy nhiên, việc dư luận đặt vấn đề kết quả thi không tin cậy, tôi cũng không bất ngờ.
Dư luận họ nghi hoặc là bình thường vì kỳ vọng của xã hội dành cho giáo dục luôn rất cao. Đặc biệt là ở Việt Nam, là nước có truyền thống về học tập, thì kỳ vọng của người dân sẽ luôn luôn ở mức cao hơn thực tế. Tôi nghĩ nếu giáo dục nước ta có làm tốt hơn thì người dân sẽ lại tiếp tục kỳ vọng cao hơn nữa.
- Vậy những chỉ trích của dư luận trong nước nói chung về giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, liệu có khắt khe quá với ngành giáo dục? Theo ông, vì sao có sự vênh nhau giữa đánh giá của quốc tế và dư luận trong nước?
Ông Phạm Hiệp: Như tôi đã nói ở trên, kỳ vọng của người dân với giáo dục luôn rất lớn nên họ sẽ có những đánh giá khắt khe hơn.
Quốc tế họ nhìn Việt Nam đối sánh với các nước cùng mức độ phát triển kinh tế như Philippin, một chút đâu đó là Thái Lan, Malaysia… Kết quả của mình là tương đối cao so với các nước này nên họ đánh giá cao mình.
Nhưng người dân lại đối sánh với Việt Nam của cách đây 30, 40 năm, khi mà giáo dục Việt Nam là giáo dục tinh hoa, tức là giáo dục chỉ dành cho một nhóm nhỏ rất ít người. Khi đó, những người giỏi nhất mới được đi học nên chất lượng tốt là dễ hiểu.
Một số bộ phận người dân có điều kiện va chạm với thế giới lại so sánh Việt Nam với Úc, với Mỹ.
Với căn cứ đối sánh, tham chiếu khác nhau nên sự vênh đó là bình thường. Quốc tế họ so sánh Việt Nam với các nước đang phát triển khác còn người dân thì so sánh với quá khứ hoặc với các nước phát triển.
Mọi người quên mất rằng 30 năm qua Việt Nam trải qua việc bùng nổ dân số rất cao. Sức ép của Nhà nước trong việc cần phải cung cấp dịch vụ đào tạo từ cấp thấp đến cấp cao cực kỳ lớn. Khi sức ép nhiều như vậy thì nguồn lực của Nhà nước không đủ chi trả để giữ chất lượng giáo dục cao như trước hoặc đua với các nước phát triển cao như Úc, Mỹ.
Vì thế, ý kiến phàn nàn về chất lượng giáo dục hiện nay có phần chưa thông cảm cho ngành giáo dục hoặc chưa nhìn thấy hết cái khó khăn của ngành giáo dục.
Chất lượng tụt dốc từ phổ thông xuống sau đại học
- Vậy, người dân nên dựa trên kênh tham chiếu nào để có đánh giá công bằng hơn, thưa ông?
Ông Phạm Hiệp: Các tổ chức quốc tế lớn như UNESCO, World Bank, Diễn đàn kinh tế thế giới... đã đưa ra nhiều bộ chỉ số đánh giá đa diện ở nhiều mặt như tỷ lệ đi học, tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn ở các cấp học... Các kỳ thi như PISA lại tiếp tục đi sâu vào đánh giá từng kỹ năng riêng biệt.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta buộc phải hòa nhập vào thế giới với bằng việc tham gia đo lường chỉ số đó. Chúng ta phải tham gia vào những kỳ thi, cuộc đánh giá của thế giới để cung cấp thông tin của chúng ta và đối sánh với thế giới.
Từ đó, chúng ta biết được trên bản đồ giáo dục thế giới thì chúng ta mạnh điểm nào, yếu điểm nào. Chắc chắn sẽ có những cái ta cao hơn so với mặt bằng chung và có cái ta thấp hơn.
Cụ thể như kết quả thi PISA ở bậc giáo dục phổ thông, qua đó để chúng ta biết mình có điểm mạnh ở các môn Toán, Khoa học. Nhưng cùng lúc đó, chúng ta ý thức được rằng những kỹ năng mềm, khả năng tiếng Anh, khả năng giao tiếp của chúng ta cũng chưa được song hành với mặt bằng chung của thế giới.
Tuy nhiên, không nên vì cao mà chúng ta quá tự hào hoặc bỏ quên những mặt yếu, cũng không nên vì những điểm yếu, thấp hơn mà quay sang đổ lỗi cho nhau hay có những phê bình hơi quá đáng.
Chúng ta nên nhìn nó như đúng bản chất.
- Với kết quả giáo dục được đánh giá tốt so với các nước đang phát triển, nhưng những chỉ số khác, vốn là hệ quả của giáo dục, ở Việt Nam lại đứng cuối. Chẳng hạn, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 2,5 lần, kém Hàn Quốc 10 lần, thậm chí còn thấp hơn cả Lào. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Phạm Hiệp: Bên cạnh những kết quả rất tốt như PISA, Olympic, những đánh giá khác của quốc tế, chúng talại thấp so với các nước cùng mức độ phát triển kinh tế, như chỉ số về năng suất lao động, chỉ số đổi mới sáng tạo, bài báo quốc tế, số lượng trường đại học trong top khu vực, quốc tế.
Điều này cũng là bình thường, và cho chúng ta thấy câu chuyện về giáo dục rất đa diện, đòi hỏi cần đánh giá thông qua nhiều thông số. Qua đó, chúng ta biết mình tốt một số mặt, chưa tốt một số mặt; và có vẻ tốt ở cấp độ phổ thông nhưng dường như có sự tụt dần ở giáo dục đại học và sau đại học, suy thoái theo từng cấp độ.
Tôi có một quan sát giản dị thôi, nhưng cũng phản ánh phần nào những thực tế trên. Đó là sau cấp độ phổ thông, học sinh đi học đại học ở nước ngoài rất tốt, đài báo vẫn đưa tin những em sang Mỹ, châu Âu, Úc học giỏi và đạt nhiều thành tích.
Học xong đại học, vẫn có những em sang nước ngoài học tiếp lên thạc sỹ và đạt nhiều thành tích, dù thông tin có vẻ ít hơn so với bậc đại học.
Học xong thạc sỹ trong nước thì bắt đầu có nhiều người sang nước ngoài phải học lại thạc sỹ vì đào tạo thạc sỹ trong nước không đạt yêu cầu.
Lên đến tiến sỹ thì gần như chưa bao giờ nghe tin một người Việt nào học tiến sỹ trong nước mà sang nước ngoài làm luôn được giáo sư hoặc có thể đi dạy luôn.
- Xin cảm ơn ông!
Vì sao giáo dục đại học và sau đại học lại có sự tụt dốc về chất lượng. Câu trả lời sẽ được chuyên gia Phạm Hiệp lý giải trong phần tiếp theo của bài phỏng vấn.
Bài 2: Lệch pha và lúng túng khi chuyển từ giáo dục tinh hoa sang đại trà