Công dân EU có thể tự do đến Anh trong thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit

Nước Anh có thể sẽ cho phép công dân Liên minh châu Âu (EU) được tự do đi lại trong thời kỳ chuyển đổi nhằm thu hút các nhân tài.
Công dân EU có thể tự do đến Anh trong thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty)

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 6/4 cho hay nước Anh có thể sẽ cho phép công dân Liên minh châu Âu (EU) được tự do đi lại trong thời kỳ chuyển đổi - giai đoạn chuyển tiếp giữa Brexit với một thỏa thuận thương mại mới - nhằm thu hút các nhân tài.

Trả lời phỏng vấn hãng Reuters TV khi được hỏi về giả thuyết nước Anh có cho phép công dân EU đến Anh tìm việc và sinh sống trong thời gian đàm phán trước khi nước này chính thức rời "mái nhà chung" EU Bộ trưởng Johnson cho biết điều này là khả thi và có thể được thông qua trước khi Anh rời EU trong thời gian hai năm.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Johnson cho biết thêm ông không muốn ngăn cản những người tài đến nước Anh, song chính phủ muốn kiểm soát dòng người này.

[Những tín hiệu tích cực đầu tiên trong tiến trình đàm phán Brexit]

Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đến London gặp Thủ tướng Anh Theresa May bàn về “hướng đi đối với vấn đề Brexit" trong bối cảnh EU chuẩn bị công bố chính thức những nguyên tắc cơ bản cho tiến trình đàm phán Brexit. Cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí "thân thiện, tích cực."

Hai bên nhất trí phối hợp "giảm bớt những căng thẳng có thể xảy ra" trong tiến trình đàm phán lâu dài. Sau cuộc họp nói trên, Văn phòng Thủ tướng Anh thông báo cả hai bên đều rất lạc quan về các cuộc thảo luận kể từ khi nước Anh kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon hôm 29/3 vừa qua.

Chuyến công du được thực hiện cách một tuần sau khi ông Tusk đưa ra bản dự thảo những nguyên tắc cơ bản của EU đối với tiến trình đàm phán Brexit cho 27 nước thành viên của EU.

27 nước thành viên EU sẽ họp vào cuối tháng này để chính thức thông qua các nguyên tắc cơ bản này, trong đó có điều khoản đang gây tranh cãi liên quan đến việc EU gắn quyền phủ quyết của Tây Ban Nha đối với bất cứ thỏa thuận thương mại nào được cho là sẽ áp dụng đối với vùng lãnh thổ Gibraltar mà nước Anh cho là thuộc lãnh thổ hải ngoại của nước này, điều mà Tây Ban Nha không công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục