Tranh cãi không ngớt về sửa đổi Nghị định 86 quản lý xe taxi

“Cởi trói số lượng xe taxi dễ dẫn tới tình trạng kinh doanh chộp giật"

Đại diện lãnh đạo các hãng taxi cũng bất đồng với những quan điểm trái chiều về việc nới lỏng các quy định về số lượng, niên hạn xe taxi tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86.
“Cởi trói số lượng xe taxi dễ dẫn tới tình trạng kinh doanh chộp giật" ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tại dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP đang chờ lấy ý kiến các Bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu xe taxi và nâng “tuổi thọ”.

Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo các hãng taxi cũng bất đồng với những quan điểm trái chiều về việc nới lỏng các quy định mà Nghị định 86 hiện hành đang quy định.

Nghị định 86 quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe. Tại dự thảo thay thế Nghị định 86, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu đồng thời quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Thiên Phong (taxi Thành Công) cho rằng, số lượng xe taxi của một doanh nghiệp cũng phần nào phản ánh chất lượng hoạt động của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp taxi đầu tư số lượng xe lớn thì cũng phải quan tâm cải thiện chất lượng để thu hút hành khách. Nếu bỏ giới hạn về số lượng xe tối thiểu thì các đơn vị chỉ có 5-10 xe cũng được cấp giấy phép hoạt động dễ dẫn tới tình trạng kinh doanh chộp giật,” ông Quân nhìn nhận.

[“Cởi trói” quy mô số lượng xe tối thiểu, nâng “tuổi thọ” cho taxi]

Theo vị Chủ tịch taxi Thành Công, vào năm 2015, một số doanh nghiệp nhỏ, không đủ 50 đầu xe taxi trên địa bàn Hà Nội đã phải sáp nhập với nhau để đáp ứng Nghị định 86 của Bộ Giao thông Vận tải. Các doanh nghiệp này vừa hoạt động đi vào nề nếp được một thời gian thì đến nay lại đề xuất bỏ quy định này.

Đề cập đến việc nới “độ tuổi” quy định chung xe taxi không quá 12 năm, ông Quân cho biết, taxi trên địa bàn Hà Nội hoạt động với tần suất nhiều hơn các đô thị khác (số kilomet chạy nhiều hơn) nên có khi chỉ trong 8 năm kinh doanh thì số kilômét chạy đã vượt quá taxi ở các đô thị khác kinh doanh 12 năm. Hơn nữa, Hà Nội là Thủ đô nên phải hướng tới chất lượng và yêu cầu khắt khe hơn về dịch vụ.

Đánh giá cao với những sửa đổi lần này của Bộ Giao thông Vận tải và hy vọng sẽ được thông qua, đi vào thực tế, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, Giám đốc taxi Nguyên Minh cho rằng, sự thay đổi của dự thảo Nghị định mới này để doanh nghiệp vận tải taxi được nới lỏng, "dễ thở" hơn trong kinh doanh.

Theo ông Minh, việc quy định doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội phải có tối thiểu 50 xe là cứng nhắc, vô tình triệt tiêu những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong khi đó, Luật kinh doanh cho phép doanh nghiệp được kinh doanh những ngày nghề mà pháp luật không cấm, miễn là đáp ứng được các quy định của Nhà nước.

[Hà Nội chính thức “thanh lọc” các hãng taxi không đủ 50 xe]

Về niên hạn sử dụng xe taxi, ông Minh thẳng thắn cho rằng, khi kinh doanh taxi ở Hà Nội cũng như Bắc Ninh, chất lượng xe thì đã có cơ quan đăng kiểm, xe đủ tiêu chuẩn mới được lưu thông. Vì vậy, không nên quy định Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thì 8 năm còn các đô thị khác là 12 năm mà cần có sự bình đẳng giữa các đô thị.

“Nếu có sự phân biệt về niên hạn sử dụng xe thì sớm muộn các tỉnh, thành khác thành bãi rác của Hà Nội vì không ít doanh nghiệp sau khi xe chạy hết 8 năm ở thủ đô xong lại mở văn phòng, chi nhánh tại các tỉnh, thành để đưa số xe cũ này về hoạt động,” ông Minh nhấn mạnh.

Một bất cập nữa, theo ông Minh, là việc xin xác nhận tình trạng phương tiện quá phức tạp, mất quá nhiều thời gian cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp như doanh nghiệp có xe đăng ký Biển kiểm soát ở Hà Nội muốn đưa về Hà Nam hoạt động vận tải thì phải xin Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xác nhận là xe này chưa đăng ký kinh doanh vận tải ở Hà Nội, chưa được cấp phù hiệu. Sau đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nam mới làm thủ tục cấp phù hiệu nhưng thời gian chờ đợi giấy xác nhận này có khi lên cả 2 tháng./.

Thống kê của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, hiện nay số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô phát triển nhanh so với nhu cầu hiện tại của người dân (Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh; Thành phố Hồ Chí Minh có 10.850 xe với 23 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh).
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục