Cơ hội M&A trên thị trường Việt Nam: Kênh thu hút đầu tư tiềm năng

Thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A.
Cơ hội M&A trên thị trường Việt Nam: Kênh thu hút đầu tư tiềm năng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: CFE)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường này phát triển thuận lợi và hạn chế những tác động tiêu cực, bất lợi.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực thì một chiến lược phát triển M&A hợp lý chính là công cụ quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và những năm tiếp theo.

Định vị mô hình phục hồi

Thống kê trong 20 năm qua cho thấy, Việt Nam có hơn 4.000 thương vụ M&A với giá trị đạt gần 50 tỷ USD, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về giá trị M&A.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia năng động trong hoạt động M&A khi thu hút được dòng vốn ngoại và nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, mục tiêu của doanh nghiệp khi xác định một thương vụ M&A thành công thay đổi theo những yêu cầu, tầm nhìn của doanh nghiệp đang là bài toán cần lời giải.

Tại Việt Nam, sự chuyển đổi mạnh mẽ ở lĩnh vực internet, công nghệ 4.0 đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu để mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng nhiều hơn.

Riêng đối với thị trường M&A, internet vừa tạo điều kiện cho các thương vụ diễn ra thành công hơn, vừa là nền tảng tốt để đáp ứng nhu cầu xuyên biên giới và mở rộng thị trường toàn cầu.

Liên quan đến dự báo mô hình phục hồi của thị trường M&A trong giai đoạn 2021-2022, nhà đầu tư và nghiên cứu đưa ra những dự báo khác nhau về giá trị thị trường M&A tại Việt Nam.

Tuy hầu hết dự báo đều thận trọng về sự hồi phục của thị trường M&A tại Việt Nam năm 2021 nhưng cũng cho thấy nhiều tiềm năng tăng trưởng của thị trường.

[Khối ngoại tích cực tham gia hoạt động mua bán-sáp nhập tại Việt Nam]

Cụ thể, có 42% người tham gia khảo sát dự đoán giá trị thị trường sẽ ở mức 3- 4 tỷ USD; 26% lạc quan hơn khi dự đoán ở mức 4-5 tỷ USD. Trong khi đó, có 24% người tham gia khảo sát thận trọng hơn với dự đoán giá trị M&A chỉ ở mức 3 tỷ USD; chỉ có 8% tin tưởng giá trị M&A sẽ vượt mốc 5 tỷ USD.

Còn Viện nghiên cứu Đầu tư và Mua bán sáp nhập - CMAC Institute dự báo, giá trị M&A năm 2021 tại Việt Nam sẽ ở quy mô 4,5-5 tỷ USD, quy mô thị trường hồi phục trở lại tương đương với mức bình quân giai đoạn 2014-2017.

Để thị trường đạt một tầm cao mới thì vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ, bộ, ngành trong đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là những cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2021 đánh dấu sự kiện Việt Nam tổ chức xong Đại hội Đảng lần thứ XIII và sự khởi đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới tại Việt Nam. Giới đầu tư cho biết, họ kỳ vọng sự kiện này sẽ là động lực thúc đẩy tiến trình thoái vốn và cổ phần hóa mạnh mẽ hơn; cơ chế chính sách điều hành kinh tế vĩ mô sẽ được triển khai cải cách mạnh mẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn nữa.

Điển hình, nếu Chính phủ quyết liệt đưa ra một vài thương vụ thoái vốn lớn thì giá trị M&A năm 2021 có thể sẽ ở một mốc khác cao hơn nhiều so với dự báo.

Trong trường hợp các điều kiện thuận lợi về môi trường chính trị, môi trường kinh tế, cùng với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, sự dồn nén cơ hội đầu tư giai đoạn 2019-2021 sẽ có thể được giải phóng vào thời điểm năm 2022.

Thị trường M&A có thể sẽ được chứng kiến sự hồi phục theo mô hình chữ V hoặc mô hình chim tung cánh với giá trị M&A năm 2022 tại Việt nam có thể đạt được mốc 7 tỷ USD; trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, công nghiệp, nông nghiệp... vẫn sẽ là tâm điểm thu hút M&A trong giai đoạn 2021-2022.

Theo ông Masataka “Sam” Yoshida - Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán-sáp nhập xuyên quốc gia RECOF Corporation - Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục... được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần.

Về đối tác, nhà đầu tư từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore sẽ tiếp tục chiếm ưu thế; trong đó tập đoàn tư nhân tiếp tục là động lực đóng góp vào sự hồi phục của thị trường M&A năm 2021 và những năm tiếp theo.

Còn ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thông qua sẽ gián tiếp tạo đòn bẫy thúc đẩy các giao dịch M&A; trong đó, dự báo những dự án từ châu Âu qua Việt Nam sẽ bùng nổ trong thời gian tới ở đa dạng ngành nghề, lĩnh vực.

EVFTA đã cho thấy hiệu quả trong tạo điều kiện cho nhà đầu tư và doanh nghiệp các bên, giúp họ có sự gắn kết đầu tư, kinh doanh từ thời điểm có hiệu lực đến nay.

Lực đẩy từ chính sách mới

Hoạt động M&A tại Việt Nam dự báo hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD. Những đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế là khách quan, dựa trên những kết quả và thành công mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016-2019 và năm 2020 - một năm ghi dấu ấn về “mục tiêu kép” vừa kiểm soát được đại dịch COVID-19, vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Cơ hội M&A trên thị trường Việt Nam: Kênh thu hút đầu tư tiềm năng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: raconteur.net)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh; trong đó có hoạt động M&A.

Lần đầu tiên, danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ ban hành theo nguyên tắc chọn-bỏ.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là những cải cách quan trọng, giúp nhà đầu tư nước ngoài được quyền tiếp cận thị trường tương tự như nhà đầu tư trong nước đối với toàn bộ ngành nghề, lĩnh vực không có tên trong danh sách trên. Tuy nhiên, để “trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới,” các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

"Doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu, tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Một chiến lược M&A hợp lý chính là công cụ quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay và trong những năm tiếp theo" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm.

Còn phân tích chi tiết về tác động của chính sách mới đối với thị trường M&A, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra rằng, ba bộ luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 gồm Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có 3 điểm quan trọng tác động đến thị trường M&A Việt Nam; trong đó, Luật Doanh nghiệp nâng cao sự bảo vệ an toàn của người mua, ngôn ngữ của luật là nâng cao mức độ bảo vệ “cổ đông” - là người mua trong các thương vụ M&A.

Còn theo quy định Luật Đầu tư, Chính phủ cam kết thực hiện nghiêm chỉnh việc ban hành danh mục theo nguyên tắc loại trừ, những ngành nghề nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư, hạn chế đầu tư (quy định rõ hạn chế gì, hình thức, quyền, sở hữu…).

Để hỗ trợ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán có những quy định rõ ràng về giới hạn sở hữu nước ngoài. 

Tuy vấn đề này không mới nhưng rõ hơn rất nhiều và đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp chờ đợi nhất là danh mục cụ thể hơn trước đây. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư mới còn là cơ hội cho hoạt động M&A nói riêng, khi bổ sung thêm lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Điển hình, có thể kể đến những lĩnh vực sản xuất hàng hóa cung cấp dịch vụ để tham gia chuỗi giá trị cho các ngành, hay lĩnh vực giáo dục có bổ sung giáo dục đại học, y tế bổ sung thêm trang thiết bị y tế…

Trước tác động của dịch bệnh và yếu tố căng thẳng thương mại toàn cầu, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện mục tiêu kép đã tạo được niềm tin cho thị trường M&A Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy có nhiều hướng đi khác nhau, nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhìn nhận, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút nhà đầu tư quay lại thị trường, nhất là thực hiện thương vụ M&A trong thời gian tới./.

Cơ hội M&A trên thị trường Việt Nam: Nhiều tín hiệu lạc quan

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục