Vấn đề mua bán nợ xấu đã được nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo khoa học "Đánh giá kết quả tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu" do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chiều ngày 6/10.
Tích lũy nợ xấu
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Thị Thanh Tú, Chủ nhiệm khoa tài chính ngân hàng Trường Đại học kinh tế cho biết, qua kết quả nghiên cứu của các ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng chịu tác động bởi tốc độ tăng/giảm nợ xấu các quý liền trước; các yếu tố vĩ mô như thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, tỷ giá VND/USD, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi; tốc độ tăng danh mục tín dụng và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của bản thân ngân hàng. Nghiên cứu cũng chứng minh quy luật tỷ lệ nợ xấu quý 4 thường thấp hơn các quý khác tại nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tuy nhiên, tốc độ tăng/giảm tỷ lệ nợ xấu trong quá khứ với hiện tại có diễn biến khác nhau ở nhóm ngân hàng nhà nước và cổ phần. Tại các ngân hàng Nhà nước, nếu tỷ lệ nợ xấu đã tăng cao ở quý trước thì sẽ giảm tại quý sau. Ngược lại, các ngân hàng thương mại cổ phần trong giai đoạn nghiên cứu có hiện tượng tích lũy nợ xấu với độ trễ 1 quý.
Mặc dù vậy, bà Tú cũng thừa nhận, cơn bão nợ xấu Việt Nam đã đi qua, hiện chỉ còn 3,21% nợ xấu chưa được giải quyết và như vậy việc tỷ lệ nợ xấu về 3% trong năm nay sẽ thành hiện thực.
Để có được kết quả trên, nhiều đại biểu đã đánh giá cao vai trò của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong việc xử lý nợ xấu, góp phần đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng, kéo dài thời gian trích lập dự phòng rủi ro từ 5-10 năm, giảm áp lực về tài chính cho tổ chức tín dụng.
Thiếu thị trường mua bán nợ
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng giải pháp mua nợ của VAMC chỉ xử lý nợ xấu hiện hữu mà chưa xem xét “nợ xấu tiềm tàng” và khả năng “tái nợ xấu”. Mà điều cốt yếu nhất hệ thống doanh nghiệp phục hồi còn chậm, khả năng hấp thụ vốn yếu.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chỉ ra khó khăn vướng mắc trong xử lý nợ. Về cơ cấu nợ, tổ chức tín dụng không đồng ý cho doanh nghiệp miễn giảm lãi trong trường hợp tài sản bảo đảm có giá trị lớn.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng không đồng thuận trong việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay bổ sung khi tài sản bảo đảm có giá trị kém do tâm lý bị xử lý hình sự hóa sau khi cơ cấu nợ khách hàng không trả được nợ. Khách hàng chưa đưa ra được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa chứng minh được tình hình tài chính. Chính vì vậy VAMC không thể chủ động tiến hành tái cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng khi tổ chức tín dụng chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, quá trình thu hồi nợ cũng có nhiều rắc rối khi VAMC không có quyền chủ động xử lý những khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt, không có nhiều vai trò định đoạt tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu đã mua.
Đồng tình với nhận định này, ông Lê Cẩm Ninh, Phó Ban quản lý và xử lý nợ xấu VietinBank cho hay, Nghị định 163/2006/NĐ-CP cho phép các ngân hàng có quyền thu giữ tài sản, có quyền bán tài sản của bên thế chấp nhưng việc thực hiện được là rất khó khăn. Việc xử lý mất nhiều thời gian và chi phí, thậm chí có nhiều trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận. Có những vụ xử lý tài sản đảm bảo tại Vietinbank kéo dài cả chục năm.
Ngoài ra, theo ông Ninh, hầu hết các khách hàng có nợ xấu thường không thiện chí với ngân hàng trong việc trả nợ, do đó số lượng hồ sơ của Tòa án và Chi cục, Cục thi hành án dân sự của VietinBank tăng hàng năm cả về số vụ và giá trị.
Điểm đặc biệt quan trọng được ông Hùng chỉ ra là hiện nay Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ xấu. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định pháp luật, cụ thể Luật Đầu tư 2014 quy định: “Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” và Luật 69/2014/QH13 quy định: “Doanh nghiệp được quyền bán nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không có khả năng thu hồi. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán trực tiếp cho đối tượng nợ. Giá bán do các bên thỏa thuận và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
"Như vậy VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ," ông Hùng phân tích.
Việc định giá khoản nợ đến nay chưa có quy định cụ thể, cơ sở đánh giá rất phức tạp. Trong khi khả năng của VAMC trong giai đoạn này chưa thể tự định giá để mua bán được khoản nợ. Vì vậy, VAMC sẽ rất khó thực hiện việc bán khoản nợ đảm bảo tiêu chí công khai minh bạch.
Ông Hùng chỉ ra định hướng, năm 2016, VAMC xác định thực sự phải tự đi trên chính đôi chân của mình, do toàn bộ nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã về mức cho phép là 3% và Ngân hàng Nhà nước sẽ không cần phải yêu cầu các tổ chức tín dụng bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, quan hệ giữa VAMC và tổ chức tín dụng là bình đẳng giữa hai doanh nghiệp để thực hiện mua và bán nợ.
VAMC dứt khoát mua bán nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt. Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng để tham gia tái cấu trúc tổ chức tín dụng.
Ông Hùng nhấn mạnh: "VAMC được cho tiền thật với cơ chế như hiện nay thì cũng không xử lý hết được nợ bởi chưa có thị trường mua bán nợ. Đối tượng được mua bán nợ bị hạn chế theo các quy định của pháp luật. VAMC mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng nhưng không thể bán được nợ cho bên thứ ba nếu không có giấy phép kinh doanh về ngành nghề mua bán nợ"./.