Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 10/11, lãnh đạo 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tiến hành cuộc họp cấp cao lần thứ 5 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, nhân dịp diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ 22 của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự cuộc họp.
Cuộc họp tập trung đánh giá tiến triển đàm phán trong năm qua và đề ra định hướng thúc đẩy nỗ lực hoàn tất đàm phán.
Các nhà lãnh đạo đều đánh giá những tiến bộ đạt được là rất đáng ghi nhận, tạo cơ sở quan trọng để các thành viên đẩy mạnh nỗ lực sớm hoàn tất đàm phán. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết của hiệp định TPP nhằm phục vụ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước thành viên, hướng tới bảo đảm phát triển bền vững.
Các bên cũng nhất trí nỗ lực bảo đảm TPP là một liên kết kinh tế mở, sẵn sàng đón nhận sự tham gia của các nền kinh tế trong khu vực.
Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung với những định hướng cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán trong thời gian tới, khẳng định quyết tâm chung sớm hoàn tất một hiệp định toàn diện, cân bằng và tiêu chuẩn cao, tính đến sự đa dạng về trình độ phát triển của các thành viên.
Tại cuộc họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam quyết tâm và sẵn sàng nỗ lực cùng các thành viên để sớm đạt được một hiệp định toàn diện, cân bằng và vì sự phát triển, phản ánh thỏa đáng những quan tâm, lợi ích và thực tiễn phát triển của các thành viên.
Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tiếp tục những nỗ lực chung với quyết tâm, trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau và cùng có lợi.
Đàm phán hiệp định TPP khởi động từ tháng 3/2010 và đã trải qua gần 5 năm đàm phán. Đến nay, đã có sự tham gia của 12 nền kinh tế năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, gồm New Zealand, Chile, Brunei, Singapore, Mỹ, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Australia, Mexico và Nhật Bản.
TPP được đánh giá là một trong những liên kết kinh tế tiềm năng, có quy mô rộng lớn hàng đầu thế giới, đóng góp khoảng 40% GDP thế giới và hơn 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu./.