Chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa giảm phát thải của Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam làm phát thải 27,8 triệu tấn khí thải CO2, chiếm 67% tổng lượng phát thải từ nông nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa giảm phát thải của Việt Nam ảnh 1Gieo cấy lúa. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong 3 ngày từ 21-23/9, tại tỉnh Thái Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa giảm phát thải của Việt Nam và các nước tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS),” với sự tham gia của đại diện các quốc gia đến từ 5 nước thuộc tiểu vùng Mekong gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).

Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành từ năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với mong muốn xây dựng một khu vực nông nghiệp được toàn cầu công nhận là nhà sản xuất hàng đầu về thực phẩm an toàn, áp dụng các biện pháp canh tác nông nghiệp thân thiện với môi trường, khí hậu và hội nhập vào thị trường toàn cầu thông qua hành lang kinh tế khu vực.

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết sản xuất lúa gạo tại Việt Nam làm phát thải 27,8 triệu tấn khí thải CO2, chiếm 67% tổng lượng phát thải từ ngành nông nghiệp. Theo công bố gần nhất thì Việt Nam bị xếp là quốc gia có tổng lượng phát thải khí nhà kính đứng thứ 31 trên thế giới.

Để giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu trong nông nghiệp, Việt Nam đã tăng cường đẩy mạnh các biện pháp giảm thiểu như cải thiện quản lý đất trồng, áp dụng các phương pháp thực hành quản lý sản xuất lúa trong hệ thống sản xuất thâm canh lúa, quản lý vật nuôi tổng hợp bao gồm thực hiện kiểm soát đồng cỏ và tăng năng suất chăn nuôi, xây dựng chiến lược sử dụng sinh khối hiệu quả...

Tại hội thảo, gần 20 tham luận của các đại biểu đã tập trung vào việc đánh giá hiệu quả của các phương pháp canh tác, sản xuất lúa gạo bền vững.

Tại khu vực Đông Nam châu Á, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI được đánh giá là một hướng tiếp cận mới - hướng nông nghiệp sinh thái với 5 nguyên tắc: Cấy mạ non 1 dảnh/khóm; mật độ thưa thích hợp, không sử dụng thuốc trừ cỏ; làm cỏ sục bùn, sử dụng ít thuốc trừ sâu bệnh; quản lý nước phù hợp với nhu cầu cây lúa; giảm phân vô cơ, tăng phân hữu cơ.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, cho biết canh tác lúa giảm phát thải của Thái Nguyên mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường rất khả quan, góp phần làm giảm 75% lượng thóc giống, tăng năng suất từ 12-15%, chất lượng lúa chắc, đẹp hơn, ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật...

Tại Việt Nam, hiện có hơn 1,5 triệu nông dân áp dụng phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI với trên 500.000ha thuộc 29 tỉnh, thành phố. SRI đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới và tặng thưởng danh hiệu bông lúa vàng Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra hội thảo, các đại biểu sẽ đi tham quan và tiến hành hội thảo đầu bờ về phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI tại 2 huyện Phú Lương và Định Hóa của tỉnh Thái Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục