Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng nhẹ do giá thịt lợn tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Bảy tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước do giá thịt lợn bắt đầu tăng.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng nhẹ do giá thịt lợn tăng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng ngày 29/7, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2017 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 2,52% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,31% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,91%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có tám nhóm hàng tăng giá là: nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,73%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,54%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%; giáo dục tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,04%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,04%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,03%.

[Thủ tướng Chính phủ: "Có căn cứ để đạt tăng trưởng cả năm 6,7%"]

Có ba nhóm hàng giảm giá trong đó nhóm giao thông giảm mạnh nhất với mức giảm 1,52%; bưu chính viễn thông giảm 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,03%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, cho biết CPI tháng 7/2017 tăng chủ yếu do các nguyên nhân sau: chỉ số giá nhóm thực phẩm sau sáu tháng giảm đã tăng trở lại vào tháng Bảy do giá thịt lợn bắt đầu tăng từ giữa tháng Bảy với mức tăng khá cao, bình quân giá thịt lợn tăng 3,19% so với tháng trước. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét làm cho giá rau xanh tăng 2,56% so với tháng trước.

Chỉ số giá nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 1,07% chủ yếu tăng ở nhóm cát xây dựng do các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương siết chặt việc quản lý khai thác cát, doanh nghiệp đầu cơ tăng giá nên giá cát tăng mạnh.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36% do giá một số loại thuốc tăng như: thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,08%; vitamin và khoáng chất tăng 0,17%; hoócmôn và các thuốc tác dụng vào hệ nội tiết tăng 0,07%.

Giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng 0,46% do tăng giá một số dịch vụ ở phòng khám tư nhân tại một số tỉnh như: Hải Phòng tăng 11,71%; Bình Phước tăng 0,26%.

Trong tháng 7/2017 diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc Gia năm 2017 nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, tăng làm cho giá các mặt hàng này tăng theo. Giá dịch vụ y tế tăng 0,46% do tăng ở một số dịch vụ khám chữa bệnh của các bệnh viện tư nhân.

Bên cạnh các nguyên nhân dẫn tới chỉ số CPI tăng, còn có một số nguyên nhân làm chỉ số CPI tháng Bảy giảm như sau: nguồn cung lương thực trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm 0,08% so với tháng trước.

Ngoài ra, giá xăng dầu giảm 3,33% so với tháng trước do ảnh hưởng từ đợt giảm giá ngày 5/7 góp phần giảm CPI chung khoảng 0,14%.

Từ ngày 1/7, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 10.000đ/bình 12kg, giảm 3,27% so với tháng 6/2017, do giá gas thế giới giảm 32,5 USD/tấn xuống còn 355 USD/tấn...

Cũng trong tháng Bảy, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, những ngày đầu tháng Bảy giá vàng thế giới giảm khá mạnh do thông tin từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết lãi suất sẽ tiếp tục tăng theo kế hoạch và trái phiếu cũng được bán ra, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong quý 2.

Tuy nhiên, những ngày gần đây do căng thẳng ở khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, hai thị trường vàng lớn nhất thế giới, đã ít nhiều hỗ trợ cho đà tăng lên của giá vàng thế giới.

Bên cạnh đó những tác động về chính trị trong bầu cử Tổng thống Mỹ và đồng đô la Mỹ đang đi xuống làm cho kênh trú ẩn tài sản của các nhà đầu tư sôi động hơn.

Bình quân tháng Bảy, giá vàng tại thị trường trong nước giảm 0,88% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3.630.000đồng/chỉ vàng SJC.

Giá USD có xu hướng ngược với giá vàng, chỉ số US Dollar Index (DXY) -đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt: euro (đồng tiền chung châu Âu), JPY (đồng yên Nhật), GBP (bảng Anh), CAD (đô la Canada), SEK (Krona Thụy Điển), CHF (Franc Thụy Sỹ)- tăng mạnh trong những ngày đầu tháng và sau đó quay đầu giảm về mức 93,75% vào ngày 25/7/2017.

Giới đầu tư liên tục bán USD do những bất ổn chính trị và sự phục hồi chưa vững chắc của nền kinh tế Mỹ.

Tuy vậy, tại thị trường trong nước, giá đồng USD  ở mức ổn định so với tháng trước, giá bình quân ở thị trường tự do tháng 7/2017 ở mức 22.600-22.700 VND/USD.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2017 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 1,3% so với cùng kỳ; bình quân 7 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,49%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6%-1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2017 được Tổng cục Thống kê dự báo giảm nhẹ so với tháng trước. Yếu tố giúp CPI giảm là giá gia cầm, giá trứng giảm do nguồn cung dồi dào, giá gas giảm theo giá gas thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục