Theo nhận định của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương triển khai các biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Mặc dù, hiện nay cả nước không có dịch cúm gia cầm nhưng Cục Thú y đề nghị các địa phương cần chủ động phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng virus cúm có thể lây sang người như virus H7N9.
Đồng thời, Cục cũng đề nghị tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với dịch lở mồm long móng, hiện cả nước có 2 ổ dịch típ O xảy ra tại xã Đức Lập, huyện Đức Thọ và phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Địa phương đã tiến hành các biện pháp khoanh vùng, dập dịch.
Cục Thú y cũng yêu cầu các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Theo Cục Thú y, hiện nay virus tai xanh vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đàn lợn dễ làm phát sinh dịch bệnh.
Trong thời gian tới, có thể tiếp tục xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Do đó, các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, hiện nay dịch cúm gia cầm đã có nhiều biến chủng nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố là rất cao.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khí hậu diễn biến thất thường, môi trường bị ô nhiễm sẽ là cơ hội thuận lợi để phát sinh các dịch bệnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm; đồng thời thông tin đầy đủ kịp thời về tình hình dịch bệnh, các chủ trương chính sách trong chăn nuôi, để người chăn nuôi, người dân được biết và chủ động trong công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội còn tuyên truyền sâu, trọng điểm về tiêm phòng vắcxin, khử trùng tiêu độc, các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.
Duy trì tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng về phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố, kịp thời ứng phó khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Xây dựng kế hoạch cụ thể nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho hệ thống cán bộ thú y từ huyện đến thú y thôn bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất.
Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư trong lĩnh vực phát triển chăn nuôi, giết mổ sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Đồng thời, Sở cũng tăng cường giám sát dịch bệnh, nâng cao năng lực giám sát dịch bệnh đến tận thôn xóm, hộ chăn nuôi để kịp thời phát hiện xử lý nhanh gọn, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Công khai các địa chỉ để tiếp nhận thông tin khai báo dịch bệnh tại cấp xã đê người dân biết chủ động thông tin khai báo kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Chủ động lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng để đánh giá hiệu quả bảo hộ của vắcxin đã tiêm phòng cho đàn vật nuôi...
Kiên quyết xử lý những tổ chức cá nhân không thực hiện tiêm phòng theo quy định. Đẩy mạnh quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, khuyến khích xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; thanh kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.../.