Căng thẳng vùng Vịnh: Các nước Arab gia tăng sức ép lên Qatar

Giới chức Saudi Arabia công bố nội dung một hiệp ước bí mật nhằm củng cố cáo buộc Doha hậu thuẫn khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước.
Căng thẳng vùng Vịnh: Các nước Arab gia tăng sức ép lên Qatar ảnh 1Một góc thành phố Doha. (Nguồn: AP)

Cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng tại vùng Vịnh sau khi một loạt các quốc gia trong khu vực do Saudi Arabia dẫn đầu đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Qatar vẫn chưa có hướng giải quyết.

Trong nỗ lực tìm cách gia tăng sức ép lên Qatar, ngày 10/7, giới chức Saudi Arabia đã công bố nội dung của một hiệp ước bí mật mà Doha và các nước vùng Vịnh đạt được cách đây 4 năm nhằm củng cố các cáo buộc rằng Doha hậu thuẫn khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh.

Trong một tuyên bố chung, 4 nước gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập cho biết việc công bố nội dung hiệp ước trên, vốn nhằm dàn xếp một mâu thuẫn trước đây giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh, đã cho thấy Doha không đáp ứng và hoàn toàn vi phạm các cam kết của mình về việc không can thiệp vấn đề chính trị của các nước láng giềng.

[Qatar đưa tối hậu thư, dọa rút khỏi GCC nếu không được đáp ứng]

Trên thực tế, nội dung của Hiệp ước năm 2013 đã được hãng tin CNN tiết lộ đầu tiên trước khi giới chức Saudi Arabia công bố với truyền thông xã hội.

Hiệp ước này do Quốc vương Saudi Arabia lúc bấy giờ Abdullah bin Abdulaziz, Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Quốc vương nước Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah ký kết tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia; trong khi văn kiện về cơ chế thực thi được 6 ngoại trưởng của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ký.

Theo nội dung của thỏa thuận này, các bên nhất trí không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia vùng Vịnh khác, bao gồm việc cấm hỗ trợ tài chính và chính trị cho các nhóm hoạt động chống chính phủ.

Văn kiện này cũng đặc biệt nhấn mạnh đến cam kết của các nước không hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo, tổ chức mà các nước vùng Vịnh liên tiếp cáo buộc Qatar hậu thuẫn, cũng như không ủng hộ bất kỳ "làn sóng chính trị nào đe dọa đến các thành viên GCC."

Ngoài ra, các quốc gia cũng cam kết không ủng hộ "truyền thông đối lập" - được coi là một sự đề cập rõ ràng đến truyền hình nhà nước Al Jazeera vốn bị các quốc gia vùng Vịnh cáo buộc loan truyền tư tưởng của các nhóm đối lập trong khu vực, bao gồm Ai Cập và Bahrain.

Trong một tuyên bố gửi đến hãng CNN, một người phát ngôn của Qatar đã cáo buộc ngược lại rằng chính Saudi Arabia và UAE phá vỡ tinh thần của Hiệp ước năm 2013, và "chìm đắm" vào "một cuộc tấn công đối với chủ quyền của Qatar."

Trước đó cùng ngày, Qatar đã đe dọa rút khỏi GCC với việc đưa ra điều kiện ngược lại đối với các nước vùng Vịnh do Saudi Arabia đứng đầu.

Trong diễn biến liên quan, cùng ngày, trang tin Arabi21 dẫn lời Chủ tịch đảng Dawa của Iraq, ông Jassem Al-Bayati cho biết, Saudi Arabia đã gây áp lực nhằm buộc Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phải tham gia nỗ lực cùng của các quốc gia Arab và vùng Vịnh tẩy chay Qatar.

Ông Bayati nói với Arabi21 rằng Thủ tướng Al-Abadi đang chịu sức ép từ phía Saudi Arabia, quốc gia muốn sử dụng công cuộc tái thiết những khu vực vừa được giải phóng từ tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq như là các công cụ mặc cả để đổi lấy việc Baghdad chống lại Qatar.

Ông Bayati cho biết thêm Saudi Arabia đã ép ông Al-Abadi đi thăm Riyadh vào ngày 14/6 vừa qua, nhưng nhà lãnh đạo Iraq từ chối và chỉ thực hiện chuyến thăm muộn hơn là vào ngày 19/6.

Theo ông Bayati, Saudi Arabia muốn sử dụng chuyến thăm của Thủ tướng Al-Abadi để phục vụ cho lập trường chống Qatar của Riyadh.

Cũng theo tiết lộ của ông Bayati, Saudi Arabia đã ủng hộ 500 triệu USD để tái thiết các khu vực được giải phóng từ tay phiến quân IS cũng như muốn xây dựng lại các thành phố đổ nát của Iraq."

Tuy nhiên, vị nghị sĩ quốc hội này nhấn mạnh: "Iraq đã nói với Saudi Arabia rằng Baghdad không quan tâm đến sự tham gia của Riyadh trong công cuộc tái thiết các thành phố nói trên. Ngay từ đầu, Iraq đã giữ quan điểm trung lập và không can thiệp vào cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh. Thủ tướng Al-Abadi đã thông báo điều này một cách dứt khoát trước khi lên đường đi thăm Saudi Arabia."

Trước tình hình căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cùng ngày, ba nước gồm Kuwait, Mỹ và Anh đã kêu gọi tất cả các bên liên quan nhanh chóng giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại, đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước rự rạn nứt quan hệ nghiêm trọng vẫn đang tiếp diễn giữa các nước vùng Vịnh.

Tuyên bố chung trên được đưa ra sau các cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người đồng cấp Kuwait Sabah Al Khalid Al Sabah và Cố vấn An ninh quốc gia Anh Mark Sedwill tại thành phố Kuwait trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.

Hôm 5/6, các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar, cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố.

Bốn nước trên đã rút các nhà ngoại giao của mình khỏi Qatar, ngừng mọi chuyến bay đi và đến Qatar, đồng thời yêu cầu các công dân Qatar về nước trong vòng 14 ngày.

Ngày 22/6, các nước trên đã đưa ra 13 yêu sách đối với Qatar, trong đó yêu cầu Doha hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Doha đã từ chối đáp ứng các yêu cầu trên, đồng thời bác bỏ cáo buộc có quan hệ với các nhóm khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục