Các doanh nghiệp, nhất là các đơn vị vận tải có chung tâm lý lo lắng với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Trong khi ấy, về phía cơ quan đề xuất là Bộ Tài chính, đại diện bộ này hơn một lần nhấn mạnh quan điểm đây chỉ là… khung.
Gánh nặng quá lớn
Cần phải nhắc lại dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường mới đây của Bộ Tài chính để thấy vì sao người dân, doanh nghiệp lại quan tâm tới vấn đề này tới vậy trong những ngày gần đây.
Cụ thể, theo văn bản được cơ quan này lấy ý kiến các bộ, ngành, khung thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu sẽ tăng mạnh. Đối với xăng, mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000-4.000 đồng/lít hiện tại lên 3.000-8.000 đồng/lít. Tương tự, đối với dầu diesel, mức thuế mới được ra là 3.000-6.000 đồng/lít thay cho 500-2.000 đồng như hiện tại.
Cho rằng, hiện tại trong mỗi lít xăng đã có tới 8.800 đồng thuế, phí, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tính toán, nếu với khung thuế đề xuất, mỗi lít xăng có thể phải cõng thêm cao nhất lên tới 5.000 đồng.
“Như thế là gánh nặng quá lớn,” ông nói.
Tuy nhiên, điều ông lo lắng hơn là chi phí đầu vào của các doanh nghiệp đặc biệt là các đơn vị vận tải hàng hóa, hành khách sẽ tăng lên. Đây chắc chắn sẽ là gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp và cả người dân.
Nói cụ thể hơn về lĩnh vực này, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc áp dụng thu phí tăng vào thời điểm nào, mức tăng bao nhiêu thì cần tính toán kỹ.
“Hiện xăng dầu chiếm 35- 40% trong tỷ lệ giá cước, nếu tăng như quy định Bộ Tài chính đưa ra, chi phí xăng dầu sẽ tăng thêm khoảng 10-20%, dẫn đến giá thành vận tải sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này sẽ tác động trực tiếp cả vào người dân, chứ không riêng gì doanh nghiệp,” ông Liên phân tích.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) nhìn nhận, giá xăng dầu hiện chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí giá thành. Ở thời điểm này, doanh nghiệp vận tải đã gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, thuế phí, phí BOT tăng, phí cầu đường, áp lực cạnh tranh,... Hơn một năm qua, doanh nghiệp cũng không điều chỉnh tăng giá cả dịch vụ vận tải vì muốn bình ổn thị trường.
“Trong trường hợp thuế bảo vệ môi trường xăng tăng lên đến 8.000 đồng/lít sẽ là ‘tận thu’. Với mức tăng này, lợi nhuận doanh nghiệp giảm 30% và sẽ lỗ nặng,” ông Hải tính toán.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện một hãng hàng không cũng bày tỏ sự lo lắng, bình quân máy bay A320 trong một giờ bay hết khoảng 2,3-2,5 tấn nhiêu liệu (1 tấn tương đương khoảng 810 lít). Nếu một ngày bay khoảng 100-120 chuyến, với phí môi trường tăng thêm 6.000 đồng/lít thì bình quân mỗi ngày hãng sẽ phải chi thêm khoảng 1,5 tỷ đồng riêng cho loại phí này.
“Tính chung cho năm 2017, hãng sẽ phải chi thêm khoản tiền chừng hơn 500 tỷ cho thuế phí môi trường. Với chi phí này, thì e rằng, người dân sẽ ngày càng ít cơ hội bay vé giá rẻ,” đại diện hãng hàng không nhấn mạnh.
Có khung, chưa chắc đã tăng?
Nói về dự thảo gây nhiều tranh luận này, ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm, những mức thuế bảo vệ môi trường mới được đưa ra trong dự thảo chỉ là “khung.”
“Trước khung là 1.000-4.000 đồng/lít, đầu tiên ta cũng chỉ thu 1.000 đồng/lít, sau đó mới điều chỉnh. Nguyên tắc điều chỉnh là phải phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, sức cạnh tranh nền kinh tế, các doanh nghiệp có khả năng như thế nào. Ta không thể vì tăng thu mà làm sức cạnh tranh,” ông Liêm nói.
Không trả lời cụ thể về cơ sở đưa ra mức khung 3.000-8.000 đồng, ông Liêm cho rằng đây là mức “mới nghiên cứu để đưa ra xin ý kiến.” Điều này được ông lý giải thêm là để trong quá trình hội nhập, thực hiện các cam kết, thuế nhập khẩu xăng, dầu có thể về 0-5% thì cơ quan chức năng có những biện pháp khác. Vấn đề theo ông là làm sao tính giá xăng, dầu trong nước không thấp hơn các nước xung quanh, tránh tình trạng buôn lậu.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh lại quan điểm, đây mới là đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc. “Đề xuất mới là để khung như thế, biết đâu khung được thông qua nhưng thuế chưa chắc đã tăng,” ông Liêm nói.
Một vấn đề khác thu hút chú ý là theo báo cáo tổng kết được Bộ Tài chính đăng tải, số thu từ thuế bảo vệ môi trường trong những năm 2012-2015 đều cao hơn chi cho sự nghiệp môi trường. Đặc biệt, khoảng cách này trong năm 2015 lớn hơn khá nhiều trong giai đoạn trước.
Chưa nói cụ thể nhưng đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đây chỉ là một phần trong những khoản để thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Đầu tư cho môi trường ngoài từ ngân sách Nhà nước theo ông Liêm còn nhiều khoản khác như vốn vay ODA và các quỹ.
Còn với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông cho rằng, cơ quan chức năng cần công khai thu, chi từ thuế bảo vệ môi trường.
“Ai chi, Trung ương chi bao nhiêu, địa phương chi bao nhiêu, hiệu quả ra sao, cần công bố lên, tránh gây nghi ngờ cho người dân là đánh thuế môi trường như vậy để tăng nguồn thu ngân sách, để trang trải chi phí khác chứ không phải môi trường,” vị chuyện gia kinh tế lên tiếng./.
Dự kiến, dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2017, dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8/2017, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10/2017.