Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể họp tại Thủ đô Baku, nước Cộng hòa Azerbaijan vừa qua đã nhất trí thông qua công nhận "Đờn ca tài tử Nam bộ" của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với số phiếu bầu đạt 100%.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trả lời phỏng vấn. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
- Thứ trưởng có thể nói rõ thêm về tiêu chí để “Đờn ca tài tử Nam bộ" được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đây có phải là một tin vui đối với riêng bộ môn nghệ thuật truyền thống này, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Đây là điều hết sức vui mừng và phấn khởi bởi “Đờn ca tài tử Nam bộ" rất được nhân dân không chỉ Nam bộ mà cả nước ngưỡng mộ. Chúng ta được nghe nhiều bản nhạc, bài ca, nhân dân các tỉnh Nam bộ trình diễn tại nhiều lễ hội. Tôi cho rằng đây không chỉ là niềm vui riêng của nhân dân các tỉnh Nam bộ hay của những người hoạt động trong lĩnh vực này, mà đây là niềm vui chung của cả đất nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện sự đánh giá đúng giá trị của loại hình nghệ thuật dân tộc đặc sắc này. Với tất cả những giá trị của mình, Đờn ca tài tử Nam bộ được vinh danh là rất xứng đáng.
Hồ sơ Đờn ca Tài tử Nam Bộ được UNESCO công nhận với những tiêu chí nổi bật sau: Loại hình nghệ thuật này do cộng đồng cư dân 21 tỉnh thành miền Nam Việt Nam tạo ra, được coi là một phần bản sắc của họ và được trao truyền từ đời này qua đời khác, được bảo đảm tính tiếp nối liên tục. Việc ghi nhận Di sản này vào Danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ thúc đẩy sự trao đổi giữa các cộng đồng với nhau, các nhạc sĩ và các nhà nghiên cứu; đồng thời cũng tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của di sản Đờn ca Tài tử Nam Bộ ở cấp độ địa phương và quốc tế.
Nhiều biện pháp cụ thể và đa dạng đã được cộng đồng và quốc gia cam kết nhằm bảo tồn tư liệu hóa, chuyển giao, công nhận, phát huy giá trị và tính liên tục của Đờn ca Tài tử Nam Bộ. Các chủ thể văn hóa và cộng đồng thực hiện Đờn ca Tài tử Nam Bộ đã được tham vấn và cung cấp đầy đủ thông tin về việc đề cử để đưa vào Danh sách Di sản và họ đã hoàn toàn tự nguyện đồng ý và ủng hộ việc đề cử này. Đờn ca Tài tử Nam Bộ đã được Viện Âm nhạc Việt Nam kiểm kê từ năm 2010 và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào danh mục các Di sản Văn hóa Phi Vật thể của Việt Nam năm 2012.
Hồ sơ Đờn ca Tài tử Nam Bộ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại trước hết là do bản thân Đờn ca Tài tử có giá trị đặc sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa của nhân dân Nam Bộ, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ ngàn đời nay. Bên cạnh đó, đây cũng là sự quyết tâm cao và nỗ lực cố gắng của Thành phố Hồ Chí Minh cùng các tỉnh sở hữu di sản Đờn ca Tài tử trong việc đề cử hồ sơ; sự tham gia tích cực của Viện Âm nhạc Việt Nam, các nhà khoa học cùng các nghệ nhân trong công tác xây dựng hồ sơ; và đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các cơ quan liên quan trong công tác vận động cho hồ sơ.
Việc hồ sơ “Đờn ca Tài tử Nam Bộ” được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại một mặt sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại, mặt khác sẽ làm cho cộng đồng, những người thực hành di sản nhận thức sâu sắc thêm về di sản của mình để họ tự hào và tích cực hơn trong công tác truyền dạy và vận động lớp trẻ tham gia bảo vệ và phát huy giá trị của Đờn ca Tài tử.
- Chúng ta đã được UNESCO công nhận nhiều di sản văn hoá cả vật thể và phi vật thể, có ý kiến cho rằng, chuyện đó là bình thường, thậm chí là nhàm, Thứ trưởng có bình luận gì về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Việc Thế giới vinh danh các di sản của chúng ta, trong lĩnh vực văn hóa, vật thể hay phi vật thể hoặc bất cứ hình loại nào đều là vinh dự lớn đối với đất nước. Điều đó cũng thể hiện sự nhìn nhận đánh giá của thế giới đối với sự phát triển của dân tộc ta, một quốc gia có nền văn hóa lâu đời. Đây là niềm tự hào của dân tộc. Di sản văn hóa ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều là kết tinh của tinh hoa dân tộc. Ai nói rằng nhiều di sản quá hóa nhàm thì đó là phát biểu thiếu trách nhiệm, thiếu nhận thức đúng đắn về truyền thống của văn hóa dân tộc Việt Nam.
Việc xét công nhận di sản không phải đơn giản đưa ra họp 1 lần là xong, mà phải qua rất nhiều các cuộc nghiên cứu, khảo sát tại chỗ, nghiên cứu qua hồ sơ, phân tích đánh giá… đảm bảo đủ các tiêu chí. Khi được vinh danh, đây không phải là tài sản riêng của chúng ta mà là của cả thế giới, trong đó chúng ta là người trước hết có trách nhiệm bảo tồn cùng với sự ủng hộ và hỗ trợ kể cả về tài chính, tư vấn kỹ thuật của UNESCO để gìn giữ và phát triển di sản.
Bên cạnh đó, một hội đồng khoa học lớn với các chuyên gia của các quốc gia, thường là hơn 20 quốc gia tạo thành hội đồng khoa học, không bao giờ hội đồng uy tín này lại vinh danh một di sản không đúng tầm, vì vậy chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về các di sản của đất nước được vinh danh.
- Như vậy, chúng ta phải làm gì để sau khi được vinh danh, những di sản đó được tiếp tục bảo vệ và phát huy hiệu quả, đóng góp vào công cuộc phát triển đất nước, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Được vinh danh đã khó, bảo tồn phát triển, giữ gìn khai thác di sản như thế nào lại là vấn đề có thể nói là thách thức lớn đối với mỗi quốc gia có di sản, không riêng gì Việt Nam. Chúng ta có nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là điều đáng tự hào không phải đất nước nào cũng có được. Việc bảo vệ đối với bất cứ di sản nào đều có thách thức khác nhau. Khi đã được UNESCO công nhận, việc bảo tồn các di sản không những riêng đất nước có di sản chịu trách nhiệm, mà cả thế giới cùng chung trách nhiệm.
Đối với Việt Nam, thách thức lớn nhất hiện nay là bảo tồn các di sản thiên nhiên, sinh quyển, làm sao để khai thác hiệu quả phục vụ du lịch, phục vụ phát triển kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn, các đặc trưng của di sản. Còn đối với các di sản văn hóa phi vật thể, quan trọng là sự kế tiếp, sự nhìn nhận đánh giá để đảm bảo tính lan tỏa trong xã hội tiếp tục được thực hiện.
Việc khai thác di sản cho hợp lý, xứng đáng với sự vinh danh, đảm bảo không ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn, kể cả những lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể là những tiêu chí chúng ta cần phải quan tâm. Thách thức này đòi hỏi các ngành, các cấp, nhất là các địa phương có di sản cần chủ động lập kế hoạch và kiến nghị với Chính phủ các phương án bảo tồn di sản, đồng thời tranh thủ quyền đề nghị được UNESCO tham vấn, hỗ trợ trong công tác bảo tồn di sản.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.