Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh này đã xử lý và buộc khắc phục vi phạm đối với 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hầu hết các cơ sở vi phạm liên quan đến lĩnh vực chế biến thủy sản xuất khẩu, sản xuất chitin từ đầu vỏ tôm, mía đường, bãi rác, bệnh viện.
Để triển khai xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đã mời lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, cơ sở để phổ biến và yêu cầu cam kết thực hiện các biện pháp xử lý đúng quy định cũng như báo cáo tiến độ xử lý khắc phục ô nhiễm theo kế hoạch quy định.
Trong số 10 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phát hiện từ năm 2014 đến nay có 2 cơ sở chế biến thủy sản khắc phục bằng hình thức di dời hoặc ngưng hoạt động, 2 cơ sở chế biến thủy sản được chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để, 1 cơ sở đã giải thể (Doanh nghiệp tư nhân sơ chế vỏ tôm Công Thịnh), 2 cơ sở ngưng sản xuất (Doanh nghiệp tư nhân Quốc Bình, Doanh nghiệp tư nhân sơ chế vỏ tôm Đức Tài) và 3 cơ sở đã hoàn thành xử lý triệt để nhưng chưa được chứng nhận theo quy định.
Thời gian gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của 35 cơ sở sản xuất liên quan đến lĩnh vực môi trường. Qua đó, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính trên 3,8 tỷ đồng và buộc khắc phục các vi phạm theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện nhiều đợt kiểm tra định kỳ và đột xuất tại 146 cơ sở, phát hiện 43 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt trên 2,3 tỷ đồng.
Tỉnh Cà Mau hiện có gần 3.500 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực môi trường, nhưng thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chỉ quản lý 56 cơ sở, tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp Hòa Trung, khu công nghiệp Sông Đốc, tuyến kinh xáng Cà Mau-Bạc Liêu, khu vực phường 8 và một số cơ sở phân bổ ở địa bàn huyện.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, trên địa bàn tỉnh phát sinh nhiều cơ sở chế biến hàng thủy sản (sơ chế tôm, mực, sò, lụa…) thuộc thẩm quyền xử lý của cấp huyện quản lý. Trong quá trình sản xuất các cơ sở này chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật xử lý nước thải theo quy định. Điều này làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ ở nhiều nơi trong tỉnh./.