Hiện nay, nhiều cha mẹ đang băn khoăn lo lắng trước chất lượng của vắcxin dịch vụ với vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Vì vậy, nhiều phụ huynh đã hoãn tiêm cho trẻ dẫn đến hậu quả là nhiều trẻ mắc bệnh do tiêm chủng không đầy đủ, đúng lịch.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định các vắcxin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh cho trẻ. Các bậc cha mẹ không nên ngồi chờ vắcxin dịch vụ mà bỏ qua tiêm chủng mở rộng bởi vắcxin dịch vụ 6 trong 1 hay 5 trong 1 đều đang khan hiếm, đến năm 2016 tình hình cũng sẽ không khả quan hơn.
- Thưa Cục trưởng, hiện nay trên thế giới và Việt Nam đã có vắcxin phòng những bệnh truyền nhiễm nào?
Ông Trần Đắc Phu: Trên thế giới hiện đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắcxin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm bao gồm lao, tả, bạch hầu, cúm B, viêm gan A, viêm gan B, ung thư cổ tử cung HPV, cúm mùa, viêm não Nhật Bản B, sởi, viêm màng não, quai bị, ho gà, bại liệt, dại, Rotavirus, uốn ván, viêm não, thương hàn, thủy đậu, sốt vàng...
Các vắcxin mới để phòng và điều trị các bệnh như HIV, Viêm gan C, ung thư, Sốt rét, Lao cũng đang được thử nghiệm hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt. Hầu hết các loại vắcxin này cũng đã được sử dụng tại Việt Nam.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng, Việt Nam cũng đang triển khai 10 loại vắcxin phòng 12 bệnh. Các vắcxin này được tiêm chủng miễn phí tại tất cả các Trạm Y tế xã, phường trên toàn quốc. Ngoài ra, một số các vắcxin khác được tiêm chủng dưới hình thức tiêm chủng dịch vụ như vắcxin dại, quai bị, thủy đậu, ung thư cổ tử cung.
- Cục trưởng có thể cho biết về chất lượng của các vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, cụ thể như vắcxin viêm gan và 5 trong 1 (Quinvaxem)?
Ông Trần Đắc Phu: Trước hết phải khẳng định rằng các vắcxin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đều an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh cho trẻ.
Vắcxin viêm gan B liều sơ sinh được triển khai trong tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam từ năm 2005 do Công ty vắcxin và sinh phẩm số 1 sản xuất. Đây là loại vắcxin tái tổ hợp, được sản xuất theo công nghệ tiên tiến hiện nay giống như vắcxin đang sử dụng tại Mỹ và các nước khác.
Tính từ năm 2010-2014, đã có hơn 6,5 triệu liều vắcxin này được tiêm cho trẻ sơ sinh. Trong quá trình sử dụng cũng ghi nhận một số trường hợp tai biến sau tiêm chủng nhưng tỷ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới.
Vì vậy, các gia đình không nên quá lo lắng về độ an toàn của vắcxin mà không cho trẻ đi tiêm chủng, điều này có thể khiến trẻ có thể mắc bệnh viêm gan B - nguyên nhân chính gây ung thư gan sau này. Vắcxin viêm gan B được tiêm 4 mũi cho trẻ trong tiêm chủng mở rộng bao gồm mũi 1 tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau sinh; mũi 2, 3, 4 tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
Vắcxin Quinvaxem (5 trong 1) hiện nay đang được sử dụng miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là loại vắcxin phối hợp để phòng 5 bệnh trong một mũi tiêm, bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Vắcxin này được sản xuất tại Hàn Quốc, đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định đạt tiêu chuẩn, do Quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc (UNICEF) cung ứng. Vắcxin đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như của Việt Nam.
Đến thời điểm này, vắcxin được sử dụng trên 90 quốc gia với trên 400 triệu liều đã được sử dụng an toàn. Chính vì vậy, các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vắcxin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng mà không cần phải băn khoăn, lo lắng.
Cũng giống như các loại vắcxin khác, khi tiêm vắcxin Quinvaxem cũng có những phản ứng, thông thường và nhẹ như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... Các phản ứng nặng như sốc phản vệ rất hiếm khi xảy ra. Hiện nay, vắcxin Quinvaxem cũng đã được Bộ Y tế chỉ đạo tiêm tại các điểm tiêm chủng dịch vụ với hình thức tiêm miễn phí.
- Thời gian qua, do không có vắcxin tương ứng trong tiêm dịch vụ như vắcxin 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) mà một số bà mẹ cứ chờ đợi và hoãn tiêm cho con. Vậy Cục trưởng có thể nói rõ cho cộng đồng biết về tình hình 2 loại vắcxin dịch vụ này cũng như những lời khuyên đối với các gia đình?
Ông Trần Đắc Phu: Hiện vắcxin 6 trong 1 vẫn đang rất khan hiếm và đến năm 2016 tình hình cũng không khả quan hơn. Nguyên nhân của tình trạng này do đơn vị sản xuất loại vắcxin 6 trong 1 đang trong quá trình thay đổi địa điểm và dây chuyền sản xuất.
Trong tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam cũng có các vắcxin ngoại và tiêm chủng dịch vụ cũng có sử dụng vắcxin nội và vắcxin nội phải đảm bảo chất lượng mới được đưa vào sử dụng tiêm phòng bệnh cho trẻ.
Vừa qua, do không có vắcxin tương ứng trong tiêm dịch vụ như vắcxin 6 trong 1 (Hexa-infarix) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim) mà một số bà mẹ cứ chờ đợi hoãn tiêm cho con dẫn đến việc một số trẻ đã mắc ho gà.
Hiện Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vắcxin. Quy trình tiêm chủng cũng được Bộ Y tế quy định chặt chẽ. Vì thế, người dân nên tin tưởng vào chất lượng vắcxin và cho trẻ đi tiêm chủng vắcxin Quinvaxem và các vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đúng độ tuổi thay vì chờ đợi vắcxin 6 trong 1 dịch vụ như hiện nay.
- Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong nhiều năm qua đã đạt được nhiều thành tựu. Ông có thể chia sẻ về hiệu quả của chương trình này cũng như những khó khăn, thách thức mà ngành y tế phải đối mặt?
Ông Trần Đắc Phu: Tiêm chủng mở rộng là một chương trình phức tạp bởi hàng năm, Việt Nam phải tiêm cho hàng triệu trẻ em ra đời và mỗi trẻ em phải tiêm khoảng 10 loại vắcxin để phòng bệnh.
Đây cũng là một chương trình đòi hỏi kĩ thuật rất cao, cán bộ y tế phải thành thục trong tiêm chủng để đảm bảo tiêm chủng hiệu quả và an toàn. Việc bảo quản vắcxin cũng đòi hỏi phải tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu lực.
Đặc biệt, tiêm chủng là đưa vắcxin vào cơ thể con người, nó là một kháng nguyên nên cũng có thể phản ứng. Đó phổ biến là những phản ứng nhẹ như sốt, đau tại chỗ tiêm nhưng cũng có những trưởng hợp xảy ra phản ứng nặng nhưng tỷ lệ này rất ít xảy ra. Việc tiêm chủng vẫn được thế giới chọn lựa bởi tiêm chủng giúp phòng, tiến tới loại trừ hoặc thanh toán được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng dự phòng chủ động, tích cực, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai ở Việt Nam từ năm 1985. Qua 30 năm triển khai, hàng trăm triệu liều vắcxin đã được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, sởi, bại liệt, viêm não Nhật Bản B, tả, thương hàn, Rubella và bệnh do vi khuẩn Hib.
Tuy nhiên, công tác tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hiện nay, tiêm chủng được thực hiện thường xuyên hàng tháng. Mỗi năm, Việt Nam phải tiêm cho trên 1,5 triệu trẻ cùng hàng triệu các trường hợp phụ nữ trong tuổi sinh đẻ với khoảng trên 30 nghìn điểm tiêm chủng.
Với khối lượng công việc đồ sộ, được triển khai trên quy mô rộng lớn như vậy đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ về kỹ thuật, ý thức trách nhiệm của cán bộ tiêm chủng tại tất cả các tuyến để việc tiêm chủng đạt tỷ lệ an toàn cao và hiệu quả. Tiêm chủng đạt tỷ lệ an toàn cao mới có khả năng đảm bảo miễn dịch cộng đồng tốt, các ổ dịch bệnh không xảy ra.
Ngoài ra, đời sống cán bộ làm công tác tiêm chủng còn hết sức khó khăn bởi họ là cán bộ y tế dự phòng, lương quá thấp so với nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, họ cũng không có khả năng làm thêm để kiếm thu nhập ngoài lương. Mặt khác, kinh phí của nhà nước cho công tác tiêm chủng còn rất hạn chế trong khi nhu cầu thực tế thì lại rất cao./.