Sở hữu trên 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 9 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 1.196 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, điều đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm lớn đối với Hà Nội trong việc quản lý di sản văn hóa.
Nhiều năm qua, những nỗ lực của Hà Nội được ghi nhận bằng việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho tu bổ di tích, giải tỏa hàng trăm hộ dân để cắm mốc giới khoanh vùng bảo vệ di tích, ngăn chặn và xử lý những hành vi lợi dụng di sản văn hóa để kiếm lợi phi văn hóa.
Tuy vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức và để giải quyết được vấn đề này, các nhà nghiên cứu và nhà quản lý văn hóa đã chỉ ra, phải chú trọng vai trò, vị trí của cộng đồng.
Giải quyết hài hòa mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển kinh tế-xã hội
Đây là vấn đề mà các cấp chính quyền, nơi có các di sản “sống” đang lúng túng tìm biện pháp tháo gỡ.
Bài học về các hộ dân làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích quốc gia cách đây vài năm, chính là giọt nước tràn ly nảy sinh từ mâu thuẫn giữa bảo tồn di tích và nhu cầu cuộc sống người dân.
Sau sự việc đó, các cơ quan quản lý văn hóa cũng như các cấp chính quyền dường như quan tâm hơn, nhưng việc tìm ra giải pháp hợp lý vẫn là bài toán nan giải.
Ông Nguyễn Trọng An, Phó Trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết Ban quản lý đã và đang tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây giải quyết các vấn đề liên quan đến yếu tố tạo ra lợi ích cho người dân sống trong khu di sản với quan điểm “bảo tồn để phát triển” nhằm quản lý tốt di tích.
Bởi di tích làng cổ Đường Lâm khác với các di tích khác vì đại bộ phận người dân chính là chủ thể của di tích, phát huy giá trị làng cổ Đường Lâm không chỉ ở mức độ trực tiếp mà có cả hình thức gián tiếp.
Cùng với việc ban hành quy hoạch làng cổ Đường Lâm, quy định về hình thức xây dựng nhà ở, quy hoạch khu giãn dân làng cổ… người dân Đường Lâm còn được các cơ quan chức năng hỗ trợ làm du lịch, phát triển nghề phụ…
Mấu chốt vừa để tạo ra cuộc sống tốt cho người dân làng cổ, phù hợp với đời sống kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, vừa để bảo tồn di tích làng cổ. Tuy vậy, để tạo được đồng thuận giữa người dân với với các cấp chính quyền trong vấn đề bảo tồn và phát triển vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Tương tự, phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) cũng là một di sản “sống” khi mà tại di tích quốc gia này đang có khoảng 6,7 vạn người sinh sống. Trong phố cổ, nhiều di tích vẫn còn tồn tại các cơ quan, hộ dân ở và sử dụng làm ảnh hưởng tới cảnh quan chung và sự tôn nghiêm nơi thờ tự.
Theo thống kê, toàn quận có 24 cơ quan, đơn vị, trụ sở, trường học, gần 450 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu đang sống trong di tích; trong số đó, có hộ dân có hợp đồng với cơ quan nhà đất.
Việc di chuyển các hộ, các cơ quan, đơn vị ra khỏi di tích cũng là một vấn đề đầy khó khăn. Một mặt, quận Hoàn Kiếm đang tiến hành chuyển khoảng 6.550 hộ dân tương ứng khoảng 26.200 người ra khỏi phố cổ Hà Nội, tránh sức ép về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho phố cổ.
Cuộc di dời này sẽ gặp nhiều khó khăn vì cuộc sống mưu sinh của đại bộ phận người dân đều dựa vào phố cổ này.
Trước vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế-xã hội, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng Sở sẽ tiếp tục tham gia tư vấn cho thành phố xây dựng và thực hiện các giải pháp phát triển bền vững, nhằm cân bằng áp lực giữa phát triển kinh tế-xã hội đô thị với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, về bản chất quản lý văn hóa là quản lý các hoạt động của con người và cộng đồng xã hội có thể tác động ở cả hai chiều thuận và nghịch tới di sản văn hóa.
Có thể hiểu, quản lý di sản văn hóa là thiết lập mối quan hệ gắn bó giữa cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và cộng đồng dân cư địa phương nơi có di sản cần được bảo vệ, phát huy.
Vì vậy, trước tiên phải thực hiện là giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò, giá trị của di sản văn hóa từ đó chung tay gìn giữ di sản.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: "Trong hoạt động quản lý di sản văn hóa, chúng ta cần nỗ lực tạo điều kiện cho cộng đồng nhận diện đúng giá trị của di sản văn hóa, được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích tinh thần và vật chất thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa."
Thực tế, hệ thống chính trị địa phương như Mặt trận, Hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên… là lực lượng xã hội có điều kiện tốt để vận động hội viên, đoàn viên tham gia bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở từng địa phương, cơ sở.
Tiến sỹ Lưu Minh Trị, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội khẳng định nêu cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội để vận động dân làng và cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là cần thiết. Người dân không chỉ tham gia bảo vệ di tích mà ngay cả huy động nguồn lực trong dân để tu bổ di tích cũng có thể thực hiện tốt.
Ví dụ từ năm 2005-2012, huyện Gia Lâm tu bổ 69 di tích với tổng kinh phí 115 tỷ đồng, trong đó kinh phí do cộng đồng đóng góp 52,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm) xây dựng khu di lăng và đền thờ Hoàng hậu Lê Ngọc Hân với kinh phí 14 tỷ đồng đều do dân làng và các nhà tài trợ đóng góp.
Ở quận Hà Đông, việc tổ chức lễ hội ở các đình, đền, vai trò nhân dân là lực lượng chính, là chủ thể, trực tiếp tổ chức các hoạt động lễ hội.
Việc nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản còn được thực hiện bằng cách nêu cao vai trò của nhà trường và các đoàn thể trong trường học. Từ việc giảng dạy, đưa học sinh tham quan các di tích sẽ từng bước hun đúc cho học sinh ý thức yêu di sản, bảo vệ di sản.
Mặc dù công tác bảo vệ di sản còn nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng, thành phố Hà Nội xác định rõ nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ chiến lược của các đơn vị quản lý văn hóa mà còn là trách nhiệm của tất cả các cấp ngành và mỗi người dân Thủ đô, đặc biệt là của các tổ chức, cá nhân sống trên địa bàn có di sản./.