"Ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thu nợ thuế. Tới đây, tỉnh có thể cũng sẽ phải cơ cấu lại việc cấp phép mỏ. Doanh nghiệp nào không chấp hành nghiêm chỉnh, chúng tôi sẽ thắt chặt lại. Tất nhiên việc này cũng rất đau."
Đó là lời khẳng định của ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng trong cuộc trao đổi với phóng viên VietnamPlus về tình trạng nợ đọng thuế phí cũng như khai thác gây ô nhiễm của các doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn.
“Quản lý chưa chặt chẽ”
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Ánh cho biết, Cao Bằng là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng về chủng loại, nhưng trữ lượng cũng hạn chế, quá trình thăm dò đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, công tác quản lý cũng còn những khó khăn.
Theo ông Ánh, cách đây khoảng 5-7 năm, văn bản quản lý khai thác khoáng sản chưa chặt chẽ, cấp phép thoải mái, trong khi đó chưa thăm dò, chưa đánh giá lại trữ lượng. Do đó, một loạt nhà máy đầu tư vào chế biến nhưng về sau nguồn nhiên liệu rất ít nên nhiều dự án đã đổ bể, có dự án chết hẳn.
“Duy nhất một số đơn vị sau này kiện toàn lại mới hoạt động được, nhưng giai đoạn đó cũng khó khăn nên rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào thì số nợ đọng không phải ít, tồn tại từ xưa đến nay do họ khó khăn trong khi thuế có thể phát sinh.”
“Ví dụ một số doanh nghiệp như công ty than cốc Việt Trung, Chiến Công, Đức Hiếu, 30/4, Tây Giang… là những đơn vị còn nợ động hơn chục tỷ đồng, nhưng hiện nay không còn hoạt động trên địa bàn, có doanh nghiệp giờ cũng không biết tìm họ ở đâu,” ông Ánh nói.
Ngoài ra, theo ông Ánh thì những chính sách trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cũng thay đổi dẫn tới việc đầu tư khó khăn. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư không tuân thủ các quy định của luật quản lý thuế, dây dưa, nợ đọng, cố tình trốn thuế.
“Đến bây giờ đạo đức doanh nghiệp của mấy ông này cũng không đảm bảo. Tức là việc lựa chọn nhà đầu tư của mình có những cái chưa chuẩn. Quan trọng là đầu tư thật hay không. Còn những đơn vị tuân thủ thì tỉnh lúc nào cũng tạo điều kiện cho tháo gỡ.”
“Trên cơ sở đó, khi đưa ra văn bản hành chính đối với một đơn vị đầu tư thì phải xem doanh nghiệp đã nộp thuế chưa, nếu nợ đọng thì phải áp dụng nhiều biện pháp, kể cả cưỡng chế hành chính. Thế nhưng, với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay thì việc cưỡng chế gọi là bằng không cũng không phải nhưng rất vô vọng để thu hồi nợ,” ông Ánh nói.
Chủ tịch tỉnh Cao Bằng cũng thừa nhận, hầu hết các mỏ khoáng sản trên địa bàn đã được cấp phép trước năm 2014. Còn trong hai năm gần đây, gần như không có mỏ khoáng sản nào được cấp vì chính sách thay đổi và các mỏ dường như cũng đã cạn kiệt tài nguyên.
Về công tác quản lý nhà nước, ông Ánh khẳng định thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tình trạng khai thác trái phép nhưng không lớn. Trong hoạt động sản xuất cũng có doanh nghiệp chưa tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường nên cũng xảy ra một vài sự cố môi trường.
“Trong việc này cũng không loại trừ việc ngay cả xóm, xã có lúc cũng cố tình ‘móc ngoặc’ với các doanh nghiệp. Chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn chưa thực hiện tốt (để xảy ra vi phạm) nhưng hiện tượng này không nhiều, một năm cũng chỉ 2-3 lần,” ông Ánh giải thích.
“Đau một lần để cơ cấu lại”
Quay trở lại câu chuyện nợ đọng thuế phí, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cho rằng đây là vấn đề rất đau đầu, nhất là với địa phương có nguồn thu ngân sách thấp. Vì thế, con số nợ đọng lên đến hàng trăm tỷ, rõ ràng là khoản nợ khá lớn.
Do đó, để giải quyết mâu thuẫn trong khi phải áp dụng luật quản lý thuế và chính sách thu nộp ngân sách đúng quy định nhà nước thì phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả về thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
“Ví dụ như đối với các dự án có quy mô trữ lượng nhỏ lẻ thì số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dưới 1 tỷ đồng phải nộp một lần. Nhưng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã do vài ba người lập nên, năng lực không có, toàn đi vay ngân hàng, giờ bỏ ra một tỷ để nộp là rất khó khăn,” ông Ánh nói.
Tuy vậy, ông Ánh cũng thừa nhận có những doanh nghiệp vẫn cố tình không nộp. Vì thế, tới đây, tỉnh Cao Bằng sẽ kiên quyết không giải quyết thủ tịch hành chính đối với bất kỳ doanh nghiệp nào không chấp hành quy định của luật và văn bản của tỉnh.
“Thậm chí, tỉnh sẽ phải cơ cấu lại việc cấp phép mỏ. Theo đó, doanh nghiệp nào đủ năng lực, triển khai dự án đúng quy định thì tỉnh cho làm. Doanh nghiệp nào không chấp hành nghiêm chỉnh, tỉnh sẽ thắt chặt lại. Tất nhiên việc này cũng rất là đau,” ông Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, người phát ngôn của tỉnh Cao Bằng cũng cho biết, hiện cả tỉnh có 74 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nợ đọng, bây giờ yêu cầu ít nhất 40 doanh nghiệp phải dừng hoạt động rõ ràng là vấn đề thiệt thòi cho kinh tế của địa phương, nhất là trong bối cảnh thu hút đầu tư.
“Mặc dù vậy, chúng tôi cũng xác định là phải đau một lần để cơ cấu lại, sắp xếp hoạt động của các doanh nghiệp khai thác mỏ cho hiệu quả,” ông Ánh chia sẻ.
Vẫn theo ông Ánh, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp hoạt động khai khoáng trên địa bàn là chưa tuân thủ theo quy định của luật. Có một số doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, mà tới nay không đóng cửa, tỉnh cũng bắt buộc phải đóng theo đúng quy định.
“Đến thời điểm này, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phải nói là khó khăn. Vì thế, giải pháp căn cơ là tiếp tục phải đôn đốc doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc, kể cả biện pháp cưỡng chế. Với doanh nghiệp chây ỳ thì tỉnh sẽ kiên quyết cho ngừng hoạt động.”
“Tuy nhiên, cái khó nhất là những doanh nghiệp còn nợ đọng thuế phí lớn, bây giờ không còn hoạt động trên địa bàn, thậm chí còn không biết địa chỉ ở đâu nên rất khó xử lý. Thế mới có chuyện đơn vị thuế như người đi đòi nợ thuê, nhưng doanh nghiệp vẫn không chấp hành,” ông Ánh trăn trở./.