Việc hàng loạt cây gỗ nghiến cổ thụ trong rừng đặc dụng Phong Quang, tỉnh Hà Giang liên tiếp bị cưa đổ, “xẻ thịt” thành dạng thớt rồi ngang nhiên tuồn bán sáng Trung Quốc với giá cao, cho thấy, thế lực lâm tặc đã hoạt động rất manh động, chúng phá rừng như chỗ… không người.
Một điều đáng lưu ý là, các đối tượng lâm tặc (chủ yếu là người dân trong thôn bản) thường tổ chức khai thác theo đoàn và có lực lượng “chim lợn” làm nhiệm vụ cảnh giới. Thậm chí, cả cán bộ thôn cũng tham gia phá rừng, xẻ thịt gỗ nghiến để bán...
Trưởng thôn tham gia phá rừng
Theo nguồn tin từ một cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, tình trạng khai thác gỗ nghiến tại rừng đặc dụng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, và hiện nay vẫn đang tiếp tục “nóng,” nhất là những tháng cuối năm. Trung bình, mỗi lần lâm tặc vào rừng sẽ có ít nhất 10 cây nghiến cổ thụ bị “xẻ thịt.”
Vị cán bộ kiểm lâm này cũng tiết lộ, phần lớn các đối tượng tham gia phá rừng ở đây là người dân các thôn bản, họ bị một số đầu nậu trong và ngoài nước mua chuộc, xúi giục vào rừng xẻ gỗ nghiến thành dạng thớt rồi cõng theo đường mòn trong rừng qua biên giới bán cho đầu nậu Trung Quốc.
“Thậm chí, các đầu nậu còn mua cả cưa máy cấp cho lâm tặc đi phá rừng, tiền mua cưa sẽ được trừ dần vào tiền gỗ bán được. Trong khi, giá mua thớt nghiến lại cao (từ 1,2-1,5 triệu đồng/thớt, thời điểm cao nhất là 1,8 triệu đồng/thớt) nên nhiều kẻ sẵn sàng vào rừng làm lâm tặc,” vị cán bộ kiểm lâm chia sẻ.
[Hà Giang: Rừng đặc dụng Phong Quang chưa một ngày yên ả]
Theo điều tra của phóng viên VietnamPlus, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện và bắt giữ 157m3 gỗ nghiến bị lâm tặc khai thác trái phép trong Khu bảo tồn Phong Quang.
Ngoài các đối tượng khai thác lâm sản trái phép là người dân, trong tháng Tư vừa qua, lực lực lượng chức năng địa phương còn phát hiện và bắt giữ một trưởng thôn khi đang khai thác lâm sản trái phép, và nhiều vụ việc liên quan đến Luật bảo vệ và Phát triển rừng.
Cụ thể, trong khi tuần tra, bảo vệ rừng tại khu vực thôn Tân Sơn (xã Minh Tân), lực lượng tổ quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn Tân Sơn đã phát hiện 3 đối tượng đang khai thác trái phép gỗ nghiến tại khu rừng đặc dụng. Ngay sau đó, tổ công tác đã bắt được đối tượng Sùng Ngọc Chung, lúc đó là Trưởng thôn Tả Lèng.
Cùng tham gia trộm nghiến còn có 2 đối tượng khác, gồm Vàng Mí Lềnh, (thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ) và Giàng Seo Lử, (thôn Tả Lèng, xã Minh Tân). Khi bị phát hiện, các đối tượng này đã bỏ chạy, sau đó chúng bị cơ quan chức năng triệu tập và đã thừa nhận hành vi khai thác lâm sản trái phép, với khối lượng 10,208m3 gỗ nghiến.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dung Phong Quang cho biết, hiện nay, tình trạng khai thác gỗ nghiến để xuất khẩu lậu sang Trung Quốc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Các đối tượng trong và ngoài nước đứng ra tổ chức thu gom gỗ, xúi giục người dân vi phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nên rất khó cho công tác đấu tranh xử lý.
Nguyên nhân là, thu lợi từ việc buôn bán gỗ nghiến rất lớn. Thông thường, các đối tượng khai thác, mua bán vận chuyển lâm sản trái phép đặc biệt là gỗ nghiến dạng thớt đường kính 40 đến 50cm, dầy 25 đến 30cm có giá từ vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng khi được chuyển qua biên giới. Có những lúc cao điểm, các đầu nậu đặt mua với giá cao lên đến 1,8 triệu đồng/một chiếc thớt.
“Phương thức vận chuyển khai thác chủ yếu là người dân vùng lõi, những người dân này được các đầu nậu phía bên kia biên giới cung cấp cưa xăng, cưa máy nhãn hiệu của Trung Quốc. Họ cung cấp cưa xăng để người dân vào rừng xẻ gỗ và trả lại bằng thớt. Do vậy tình trạng khai thác lâm sản bùng phát rất mạnh mẽ,” ông Hưng nói.
Chủ rừng phải chịu trách nhiệm!
Thẳng thắn chia sẻ về tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn, ông Bùi Văn Đông, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: Chín tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 251 vụ vi phạm lâm luật, trong đó vận chuyển lâm sản trái phép 148 vụ, khai thác rừng trái phép 26 vụ, cất giữ lâm sản trái phép 44 vụ. Tổng số tiền xử lý vi phạm hơn 1,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Đông cũng lưu ý, phần lớn những trường hợp khai thác gỗ đã bị bắt giữ đều không có chủ. “Nếu có chủ khởi tố vụ án rồi khởi tố bị can. Theo quan điểm của tôi là phải khởi tố vụ án, trước đây nhiều vụ khởi tố rồi không điều tra được nên lại đình chỉ vụ án,” ông Đông nói.
Vẫn theo ông Đông, để xảy ra những vụ phá rừng như trên, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, cụ thể là Ban quản lý rừng đặc dụng Phong Quang.
“Luật đã quy định rõ chủ rừng phải chịu trách nhiệm đầu tiên nếu để xảy ra phá rừng. Nhưng cũng cần xác minh kỹ xem khu vực rừng bị chặt phá đó chủ rừng có giao cho ai khác quản lý không? Nếu có giao thì người được giao phải chịu trách nhiệm đầu tiên,” ông Đông nói.
Ngoài việc truy cứu trách nhiệm đối với chủ rừng, gần đây, nhiều vụ vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên cũng đã được cơ quan chức năng đưa ra xét xử lưu động, nhằm tuyên truyền pháp luật cũng như răn đe, cảnh cáo các hành vi vi phạm.
Gần đây nhất, ngày 12/8/2016, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vị Xuyên đã phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Vị Xuyên tổ chức phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” tại Ủy ban Nhân dân xã Minh Tân. Sự kiện này rơi đúng vào hôm diễn ra phiên chợ nên thu hút đông đảo người dân quan tâm.
Theo cáo trạng, trong hai ngày 4 và 6/4 tại Lô 6 (Khoảnh 13, Tiểu khu 117, rừng đặc dụng thôn Tân Sơn, xã Minh Tân), các đối tượng Vừ Xín Mình, Vừ Thìn Cho, Vừ Xín Pao, Vừ Thìn Giàng cùng trú tại thôn Lò Suối Tủng (xã Tả Ván, huyện Quản Bạ) đã bị bắt vì hành vi “khai thác trái phép 1 cây gỗ nghiến thuộc nhóm IIA. Khối lượng lâm sản bị thiệt hại 12,854m3 có giá trị là hơn 77,1 triệu đồng.”
Tại phiên xét xử này, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo Vừ Xín Mình 26 tháng tù; Vừ Thìn Cho 24 tháng tù; Vừ Xín Pao 18 tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng; Vừ Thìn Giàng 15 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 tháng…
Trước đó, theo thông tin của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang, một vụ án “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” đối với bị cáo Tẩn Quãng Bình, sinh năm 1984 (trú tại thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên) đã được xét xử lưu động tại địa bàn xã Minh Tân và thu hút rất đông đảo quần chúng nhân dân tới chứng kiến.
Theo cáo trạng, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 08/02/2015 tại lô 3, khoảnh 18, tiểu khu 117, rừng đặc dụng thuộc thôn Tân Sơn, xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, Tẩn Quãng Bình đã có hành vi khai thác trái phép 1 cây gỗ nghiến thuộc nhóm IIA, tổng khối lượng lâm sản bị thiệt hại: 9,423m3 có trị giá là gần 24 triệu đồng. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử đã xử phạt bị cáo đối tượng Bình 15 tháng tù../.
Mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn và xử lý “mạnh tay,” nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng “xẻ thịt” gỗ nghiến cổ thụ tại rừng đặc dụng Phong Quang. Hiện tại, những cây gỗ hàng trăm năm và có cây nghìn năm tuổi vẫn đang đứng trước nguy cơ bị “khai tử,” nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cấp cơ quan quản lý, cũng như sự giúp sức của người dân.
Bài 3: Tiếp cận sức dân để "cứu" rừng nghiến cổ thụ