Hàng nông sản luôn là ngành xuất siêu, góp phần giảm áp lực ngoại tệ cho đất nước, là “bệ đỡ” trong thời điểm khó khăn của nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, cung cách sản xuất, quản lý sản xuất, công nghiệp chế biến, phân phối, marketing… trong ngành này lại còn rất nhiều điểm bất cập, điều này đã bộc lộ qua những thực tế “đau lòng,” như việc người nông dân phải gánh chịu thua lỗ, rớt giá… mỗi khi được mùa, trúng vụ.
Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới nảy sinh, những với áp lực cạnh tranh đến từ sự tiến bộ của các nước trong khu vực (nền sản xuất văn minh, tiếp cận thị trường nhanh nhạy, bài bản…)
Giờ “thử thách” đã điểm
Theo kế hoạch, Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE) sẽ hình thành vào năm 2015 như là cột mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác khu vực. Như vậy, ASEAN sẽ trở thành một thị trường chung thống nhất với sự tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động và luân chuyển vốn.
[Bài : Nông nghiệp Việt “đủng đỉnh” tiến vào hội nhập]
ACE sẽ làm gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong khu vực do có sự đảm bảo về chất lượng, an toàn và mức độ lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng.
Điều này có được thông qua sự hài hòa các tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chứng nhận thương mại, từ đó các sản phẩm nông nghiệp của khối dự kiến sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
ASEAN đã và đang phát triển kế hoạch “Sản xuất nông nghiệp tốt” (GAP), tiêu chuẩn hóa sản xuất, xử lý hàng nông sản trong và sau thu hoạch.
Ngoài ra, ASEAN cũng đề ra giới hạn dư lượng thuốc trừ sâu, công nhận tiêu chuẩn cho các sản phẩm chăn nuôi gia súc và tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp, hướng dẫn thực hành quản lý hiệu quả trong ngư nghiệp, lập hệ thống quy tắc đạo đức, quy định trách nhiệm trong ngư nghiệp.
Thêm vào đó, các vấn đề mới nổi như an ninh lương thực, giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp và lâm nghiệp, vệ sinh dịch tễ (SPS) cũng được ASEAN đưa vào danh sách ưu tiên hợp tác trong ACE.
“Lửa gần…”
Trước giờ “G,” các quốc gia trong khối ASEAN đều cho thấy sự chuẩn bị ráo riết trong các chiến lược xâm nhập thị trường khu vực của mình.
Sản phẩm gạo vẫn luôn được đánh giá là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam khi chúng ta nằm trong nhóm 4 nước (cùng với Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan) xuất khẩu gạo lớn nhất và chiếm 71,81% tổng sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp, trong khi Thái Lan được thế giới biết đến với thương hiệu gạo Thai Hommali, Ấn Độ có thương hiệu Basmati thì Việt Nam lại chưa xây dựng thương hiệu riêng cho gạo thơm của mình.
Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu gạo cũng đang diễn ra rất gay gắt, ông Thành chỉ ra, Ấn Độ có cuộc bứt phá ngoạn mục với sản lượng gạo xuất khẩu tăng 5 lần từ mức 2,2 triệu tấn (niên vụ 2009-2010) lên 10 triệu tấn (niên vụ 2013-2014).
Theo dự báo từ công ty thông tin toàn cầu HIS, Thái Lan đang quyết tâm giành lại vị trí số một về khối lượng gạo xuất khẩu và ước sẽ xuất khoảng 10 triệu tấn gạo trong năm 2014, tiếp theo là Ấn Độ 8,4 triệu tấn và Việt Nam 6,6 triệu tấn.
Ngoài đối thủ cạnh tranh truyền thống là Thái Lan và Ấn Độ, Việt Nam sẽ có thêm những đối thủ mới đến từ khu vực là Campuchia và Myanmar. Hiện, sản lượng xuất khẩu gạo của Campuchia đã đạt 1 triệu tấn (niên vụ 2013-2014) và Myanmar đạt 1,3 triệu tấn ở giai đoạn này.
Thái Lan mặc dù đang trải qua giai đoạn “chính trị đầy khó khăn,” song Tổng Giám đốc Cục nông nghiệp mở rộng Olan Pituck trả lời báo chí quốc tế cũng cho biết, cơ quan này đã nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm nông nghiệp thân thiện môi trường nhằm chuẩn bị cho việc tự do hóa thương mại trong tương lai.
“Khi sự cạnh tranh trên thị trường nông sản toàn cầu trở lên khốc liệt hơn, Thái Lan cần phát triển tiềm năng và nâng cao hơn khả năng cạnh tranh cho sản phẩm. Chiến lược được vạch ra bởi Ủy ban nông nghiệp hữu cơ quốc gia là định hướng phát triển Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất, thương mại và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,” ông Olan Pituck khẳng định.
Nước đến “chân” hay đến “cổ”?
Quay trở lại Việt Nam, theo đánh giá của Báo cáo về kinh tế nông thôn Việt Nam (CIEM,) hiện sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn nhỏ lẻ, manh mún với quy mô hộ gia đình là chính. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến còn rất lạc hậu, chủ yếu là thủ công, mức độ cơ giới hóa thấp.
Cụ thể, ông Đặng Đức Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các nhà kinh tế, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dẫn chứng thực trạng, bình quân mỗi hộ nông dân (với năm nhân khẩu) ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu một ha đất, đất quy mô nhỏ quá nên rất khó thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp.
“Tình trạng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp cũng rất tự phát, chạy theo phong trào, sản xuất tự phát theo tín hiệu thị trường ngắn hạn dẫn đến sản phẩm các mặt hàng nông sản chủ lực: lúa gạo, cà phê, tiêu, điều,… rơi vào tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, lúc trồng, lúc chặt bỏ,” ông Thành nói.
Không chỉ có vậy, Báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam còn chỉ ra những điểm yếu cơ bản của nông nghiệp Việt Nam là chất lượng sản phẩm không đồng đều, mẫu mã không đồng nhất và thiếu hấp dẫn.
Song, yếu tố ảnh hưởng lớn đến thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được hầu hết chuyên gia nói đến là dư lượng hóa chất, thuốc trừ sâu không được kiểm soát chặt, khiến cho đầu ra sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Hơn nữa, về kỹ thuật sản xuất, ngành nông nghiệp hầu như không đảm bảo thực hiện các chứng nhận quốc tế cho nông sản như GlobalGap… và công nghệ bảo quản sau thu hoạch kém đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Về lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, theo tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, Viện Khoa học lao động và xã hội, đến ngày 1/7/2014, trên cả nước có trên 22 triệu người không có chuyên môn kỹ thuật đang làm những nghề đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật (đặc biệt là các nghề lao động có kỹ thuật trong nông nghiệp, thợ thủ công có kỹ thuật và thợ có kỹ thuật lắp ráp và vận hành máy móc.)
Tại Việt Nam, thu nhập trong nông nghiệp vẫn ở mức thấp nhất so với các ngành nghề khác trong nền kinh tế “trong quý 2/2014, thu nhập bình quân tháng của lao động nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 3 triệu đồng/tháng, trong khi nhóm ngành công nghiệp-xây dựng là 4,3 triệu đồng và nhóm ngành dịch vụ là 5,2 triệu đồng,” bà Hương cho biết./.
Bài 3: Nông nghiệp Việt Nam: “Thị trường nội địa vẫn đang là vô tận”