Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ

Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ

Có tới 3 công nhân Formosa xấu số đều ở xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong một ngày, cái xóm nhỏ bé chìm trong bầu không khí tang tóc với những nỗi đau khôn nguôi của người ở lại.
Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ ảnh 1Nỗi đau mất người thân của chị Đinh Thị Phương. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trong số 13 công nhân thiệt mạng sau sự cố sập giàn giáo ở Formosa có tới 3 người cùng trú tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trong một ngày, cái xóm nhỏ bé chìm trong bầu không khí tang tóc với những nỗi đau khôn nguôi của người ở lại.

Khăn tang trắng xóm nghèo

Tại thôn 1 xã Lâm Trạch, từ nhiều ngày nay, người dân vẫn chưa hết đau xót với cái chết thương tâm của hai anh Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Bảo. Đau đớn hơn, nhà của các công nhân này nằm đối diện và chỉ cách nhau một con đường liên thôn rộng chưa đầy 5m.

Bà Hoàng Thị Hiều, mẹ anh Bảo như chết đi sống lại khi nhận được tin dữ báo về từ Formosa. Vừa khóc, bà vừa kể: “Thằng Bảo mới đi làm được có 4 ngày, vẫn gọi điện về hỏi thăm mế, vậy mà giờ sao nó không về nữa?”

Anh Bảo là con út trong gia đình. Các anh, chị lớn đều đã được dựng vợ, gả chồng. Chỉ riêng Bảo ở với mẹ già trong căn nhà gạch xây vội chưa kịp trát áo. Trước ngày ra Vũng Áng, Bảo chỉ quanh quẩn với ruộng đồng rồi ai thuê gì làm nấy.

Chỉ vào căn nhà trống huếch không có đồ đạc gì đáng giá, mẹ Hiều cay đắng: “Căn nhà này cũng một tay em nó làm dựng nên 3 năm, đến giờ vẫn còn nguyên số nợ 20 triệu đồng. Sau Tết, em nó bảo sẽ vào Formosa làm để có tiền trả nợ.”

Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ ảnh 2Tang thương xóm nghèo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xung quanh bà Hiều, cả chục người thân của Bảo không ai cầm được nước mắt khi nhìn cảnh người mẹ già đứng không còn vững, vật vã bên bàn thờ con.

Ngay đối diện, gia đình chị Đinh Thị Phương cũng đang lầm lũi dọn dẹp rạp tang. Chồng chị, công nhân Nguyễn Văn Dũng ra đi để lại vợ cùng 3 cháu nhỏ đang tuổi lớn. Ngồi trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, người vợ góa như bất động trong nỗi đau khôn cùng.

Ngày đưa thi thể anh về, Phương như điên dại. Chị chỉ biết lăn vào ôm chặt lấy chồng để lay gọi anh nhưng không được. Cũng giống như Bảo, anh Dũng chưa làm hết tháng đầu tại Formosa trước khi tử nạn.

Cách đó không xa, tiếng khóc hờn tại gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Lịch (thôn 2, xã Lâm Trạch) càng làm không khí tang thương tại xóm nghèo thêm thê thảm. Vợ của Lịch, chị Nguyễn Thị Thương, năm nay mới 27 tuổi, người quắt lại, mắt ầng ậng đỏ và lúc nào cũng như sắp ngã quỵ mỗi khi có ai hỏi chuyện của chồng.

“Chồng em mất đau quá các anh ơi. Giờ 3 mẹ con em biết sống răng?,” Thương nức nở.

Căn nhà của hai vợ chồng chỉ mới được dựng lên vẫn chỏng chơ lớp gạch đỏ chưa kịp vôi ve. Bản thân Lịch ngủ tại căn nhà ấy được dăm hôm thì lên đường vào Vũng Áng làm và gặp nạn…

Trong cùng một ngày, xã nghèo Lâm Trạch cùng nhận được hung tin về cái chết của 3 người con. Để rồi, từng ấy đám tang cứ lầm lùi nối nhau trong ráng chiều ra nghĩa địa. Tiếng khóc than, mùi nhang khói… khiến cả khu xóm trong một chốc trắng màu áo đại tang…

Xót xa tiếng cười con trẻ

Trong những ngày tìm về với Lâm Trạch, điều ám ảnh chúng tôi hơn cả là số phận của những đứa con của các nạn nhân đã nằm xuống sau thảm họa Formosa. Các em còn quá bé để ý thức được bi kịch đang dồn ép xuống mái nhà vốn đã rất xơ xác và xiêu vẹo của mình.

Bài 2: Đại tang xóm nghèo và nỗi đau từ tiếng cười con trẻ ảnh 3Nhức nhối cái nhìn của trẻ thơ ngày cha mất... (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trước khoảnh sân toàn đất nhà anh Nguyễn Văn Dũng, con út của anh, cháu Nguyễn Văn Đức vẫn hồn nhiên cười đùa khi thấy khách lạ vào thăm. Đức liên tục hỏi xin kẹo bánh và… đòi chụp ảnh. Phía trong nhà, chị Phương vẫn khóc ngất bên di ảnh của chồng…

Ôm chặt đứa con gày gò vào lòng mình, chị kể: “Ngày đưa anh về, em mặc cho cháu áo tang, cháu còn tưởng được mẹ mua cho quần áo mới nên cười rất tươi, chạy đi khoe khắp xóm làng. Nó còn bé quá, chưa kịp nhận ra ba mất rồi.”

Đau đớn hơn, khi thấy xe công nhân chở thi thể anh từ công trường lầm lũi vào xóm nhỏ, bé Đức vẫn ùa ra xin quà bánh của các chú đi cùng đoàn.

Kể đến đây, cả căn nhà nhỏ lặng phắc, không ai nói gì nữa. Chỉ còn tiếng nấc cụt cùng tiếng thở dài nặng trịch…

Nạn nhân Nguyễn Văn Lịch ra đi cũng để lại vợ cùng hai con khi còn rất nhỏ. Cháu lớn Nguyễn Thị Thu năm nay cũng mới chỉ 5 tuổi. Ngày ba ra đi, thấy nhà đông người, bé Thu lâu lâu lại hỏi: “Không biết ba có mua kẹo về cho con không?”

Những lúc ấy, tất cả mọi người đều quay mặt đi, không dám trả lời…

Riêng con út của Lịch, cháu Nguyễn Ngọc Thiện chưa đầy 2 năm tuổi nhưng bé quắt queo vì ba mẹ không có tiền mua sữa cho cháu uống. Cháu ngằn ngặt khóc và liên tục lên cơn sốt từ ngày anh qua đời. Ngày thường, không ai bế được Thiện ngoài ba mẹ, bởi vậy đến lúc này, cháu cứ bám riết lấy chị Thương, bất chấp việc mẹ ngất lên ngất xuống…

Nỗi đau hậu thảm họa Formosa giờ không chỉ còn dừng ở việc mất người nữa. Nó đã hiển hiện nhãn tiền và trực tiếp đeo đẳng số phận của hàng chục cháu Thiện, cháu Đức khác nữa. Nỗi lo về cái đói, cái nghèo, sự thất học… cho thế hệ mầm non tại những dải đất nghèo ở khúc ruột miền Trung chưa lúc nào lại hiện lên nghiệt ngã và ám ảnh đến thế../.

Bài 3: Những mảnh đời tương lai mịt mù sau thảm kịch Formosa

Trước thảm họa Formosa, 13 công nhân từ nhiều miền quê khác nhau đổ về Vũng Áng với ước mong kiếm được những khoản tiền về trang trải nợ nần, nuôi con cái ăn học. Thế nhưng, thần chết đã cướp đi mạng sống của họ, dồn đẩy thêm 13 gia đình vào chỗ đối mặt với cái đói, cái nghèo, sự thất học.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục