Không như phần lớn các địa phương khác, sức mạnh của bóng đá Hải Dương được tạo nên từ hệ thống bóng đá học đường sâu rộng và chặt chẽ. Chính từ đây, những thần đồng đã xuất hiện.
1. Chiến thắng trong trận chung kết giải U13 Yamaha - Bóng đá học đường 2016 được xem như một biểu tượng cho đường lối phát triển của bóng đá Hải Dương. Ngày 5/6/2016 tại Đắc Lắc, các cầu thủ nhí tới từ Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo (Hải Dương) đã hoàn toàn áp đảo đối thủ Eatu Daklak trước khi giành thắng lợi 2-0 để lên ngôi vô địch.
[Bóng đá Hải Dương: Hệ thống đào tạo trẻ kỳ lạ và chất lượng bậc nhất]
Chiến thắng của trường Trần Hưng Đạo là chiến thắng của một nền bóng đá học đường, đã được xã hội hóa cao độ và là kết quả của sự chung sức, chung lòng từ nhiều ban ngành. Hệ thống bóng đá học đường có lẽ cũng là điểm khác biệt tạo nên sức mạnh cho bóng đá trẻ Hải Dương.
Hải Dương hiện duy trì hai hệ thống giải nhi đồng. Hệ thống đầu tiên gồm 12 giải đấu cấp huyện dành cho tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Các giải này được tổ chức mỗi năm một lần vào khoảng tháng Sáu. Hệ thống thứ hai là các giải U10 tổ chức trong mùa Hè do Đoàn thanh niên các phường, xã đăng cai. Cùng với nhau, hai hệ thống này tạo thành một cái sàng khổng lồ, giúp Hải Dương không bỏ sót bất kỳ nhân tố triển vọng nào.
Sau mỗi mùa giải, 12 huyện sẽ tập trung những em xuất sắc nhất từ các giải đấu, đưa các em về học cùng một trường tiểu học. Tiếp đó, Trung tâm sẽ hỗ trợ 15 triệu cho mỗi địa phương xây dựng lớp bóng đá nghiệp dư, bắt đầu đào tạo bán trú cho các em nhỏ này. Hoạt động của các đội bóng được sự hỗ trợ và tạo điều kiện rất tốt từ nhà trường. 12 đội nhỏ này cũng chính là nòng cốt cho các đội tuyển huyện tham dự giải vô địch nhi đồng toàn tỉnh Hải Dương vào cuối năm.
Như vậy, với 12 lớp bóng đá nghiệp dư, mỗi lớp khoảng 15 em, Hải Dương có một cộng đồng bóng đá nghiệp dư đã qua tuyển chọn với quân số lên tới 180 người.
Sau giải tỉnh, các huấn luyện viên của Trung tâm sẽ trực tiếp chọn ra khoảng 20 tới 25 cầu thủ tốt nhất, tạo thành đội bóng U11 Hải Dương. Điểm mạnh của hệ thống này là phạm vi tuyển chọn rộng, vận động viên phải qua nhiều lần tuyển, qua đó, nâng cao tính cạnh tranh và tăng chất lượng tuyển chọn.
Để tiện so sánh, hầu hết các trung tâm khác ở Việt Nam hiện không hoạt động theo mô hình bóng đá học đường. Các lò đào tạo danh tiếng như Sông Lam Nghệ An, Hoàng Anh Gia Lai, Viettel... cũng vẫn tuyển quân thông qua các cuộc thi tuyển chọn thông thường. Mô hình tuyển quân thông qua đào tạo học đường và hệ thống giải trẻ ở Hải Dương vẫn là lý tưởng mà các địa phương khác chưa thể đạt tới.
2. Trong mô hình đào tạo ấy, ngành giáo dục đóng một vai trò hết sức quan trọng. Mỗi đội tuyển huyện và tuyển tỉnh đều được “quy hoạch” về các trường riêng biệt trong địa bàn. Các trường học và Trung tâm thống nhất lựa chọn lớp, xây dựng lịch học, chọn giáo viên, tạo mọi điều kiện để cân bằng việc tập luyện và học văn hóa cho những cầu thủ nhí.
Nói về mô hình kết hợp ấy, Giám đốc Trung Tâm Đào Tạo - Huấn Luyện Thể Thao Vũ Đình Thịnh chia sẻ: “Chúng tôi xác định giáo dục là đối tượng chiến lược của ngành thể thao. Tất cả vận động viên của mọi môn thể thao đều xuất phát từ ghế nhà trường. Vì thế, sự phối hợp với ngành giáo dục phải là xuyên suốt.”
“Bản thân hiệu trưởng các trường cũng rất thích các em. Bọn bóng đá đứa nào cũng học thông minh. Bởi thực ra, vận động viên thể thao giỏi là phải có cái đầu, phải học hành tới nơi tới chốn.”
Hai năm một lần, khi các cầu thủ nhí kết thúc một quy trình huấn luyện, Trung tâm sẽ tổ chức buổi họp toàn bộ ban huấn luyện, các cầu thủ nhí và phụ huynh. Tại đây, họ sẽ cùng nhau đưa ra những đánh giá chuyên môn về năng lực sân cỏ và năng lực học tập của từng em, dự đoán tiềm năng phát triển trong tương lai. Những em ít tiềm năng sẽ được định hướng quay về tập trung cho học tập.
Nói như huấn luyện viên Phan Yên - người năm lần đưa U11 Hải Dương tới chức vô địch toàn quốc: “Các em hãy coi những gì trước đây chỉ là một cuộc dạo chơi. Cầu thủ sẽ còn lớn lên nên mình phải dạy sao cho chúng vừa giữ được sự phát triển học tập, vừa chơi được bóng. Còn từ lứa tuổi 12, bóng đá đã hình thành một cái nghề. Chúng tôi sẽ cố gắng đào tạo để các em thành nghề.”
3. Mùa giải 2016, lò đào tạo trẻ Sông Lam Nghệ An chi tổng cộng 25 tỷ cho công tác huấn luyện. Tính trung bình, mỗi lứa trẻ của đội bóng xứ Nghệ có kinh phí hoạt động hơn 4 tỷ đồng. Vậy còn Hải Dương thì sao?
Để nuôi hai lứa U11 và U13, để có ba chức vô địch Nhi đồng trong bốn năm gần nhất, Hải Dương chỉ phải chi 2 tỷ đồng. Trung bình, mỗi lứa cầu thủ trẻ của vùng quê bánh đậu xanh chỉ cần 1 tỷ đồng/năm.
Mỗi năm, Hải Dương chỉ mất từ 10 tới 15 triệu cho mỗi huyện tự tổ chức các giải khu vực. Khi vận động viên được tuyển lên đội tỉnh, kinh phí cho mỗi lứa trẻ là khoảng 800 triệu. Tổng cộng, Hải Dương chỉ phải chi 2 tỷ cho bóng đá trẻ.
Cùng với nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp như Gia Bảo (100 triệu đồng), Nước sạch Hải Dương (200 triệu đồng), Viettel (300 triệu đồng), bóng đá trẻ Hải Dương thoải mái “sống khỏe” và gặt hái thành tích cao. Mô hình bóng đá học đường cũng giúp Hải Dương tận dụng tối đa các nguồn lực từ gia đình và ngành giáo dục. Khi cả hệ thống cùng vận hành trơn tru, Hải Dương không cần quá nhiều kinh phí nhưng vẫn thu lại được thành công.
4. Một ưu điểm nổi trội khác của đào tạo trẻ ở Hải Dương là sự quan tâm tới con người.
Tháng 12/2015, cả V-League hân hoan khi lần đầu tiên trong lịch sử, cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam được mua bảo hiểm y tế. Nhưng ở Hải Dương, những cậu nhóc 11, 12 tuổi đã được mua bảo hiểm y tế từ hàng chục năm nay.
Ngay cổng vào khu nhà chính của Trung Tâm Đào Tạo - Huấn Luyện Thể Thao Hải Dương là một dãy bốn phòng y tế khang trang, thiết bị đầy đủ, có phòng khám, phòng tiểu phẫu, phòng bệnh nhân... phục vụ riêng cho vận động viên ở Trung tâm.
Chế độ ăn của cầu thủ trẻ Hải Dương được đóng khung ở mức 100.000 đồng/ngày, tăng lên 150.000 đồng/ngày khi thi đấu. Gia đình các cầu thủ không phải đóng thêm bất kỳ khoản chi phí nào, kể cả tiền học văn hóa. Trong những điều kiện hạn chế về tài chính, chế độ dinh dưỡng và điều kiện ăn ở của Hải Dương vẫn được đánh giá rất cao.
Nhớ về những ngày còn ở Hải Dương, ông Nguyễn Văn Tạo - bố tuyển thủ quốc gia Nguyễn Văn Toàn, xúc động: “Các thầy ở Hải Dương rất tốt. Việc ăn uống, ngủ nghỉ ở trung tâm cũng tốt. Nói chung, cuộc sống ở đó ngày ấy rất sướng. Bọn trẻ toàn được giặt quần áo bằng máy hết, chả phải giặt tay bao giờ.”
5. Muốn biết hệ thống đào tạo trẻ ở Hải Dương có ưu việt hay không, hãy hỏi các tỉnh bên ngoài. Hàng năm, Hải Dương đều tiếp nhận các đoàn tham quan học tập từ những tỉnh khác. Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên... đều từng tới Hải Dương xin tham quan mô hình và phương pháp đào tạo.
Xin mượn lời huấn luyện viên Phan Yên thay cho đoạn kết bài viết này: “Tất cả những lò đào tạo đang làm bóng đá trẻ ở Việt Nam bây giờ đều hướng về Hải Dương, đều xin người, xin cách làm của Hải Dương.”/.
Bài 3: "Đá sòng phẳng ở cấp U11 và U13, Hải Dương chấp toàn quốc”