Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney ngày 3/8 cho biết Anh sẽ không nới lỏng quy định hoạt động tài chính thời hậu Brexit, mà nên giữ nguyên các quy định tài chính hiện nay để tránh những rủi ro cho nền kinh tế mà tốc độ phát triển của ngành tài chính có thể tăng gấp 2 lần so với hiện nay trong 25 năm tới.
Phát biểu nhân kỷ niệm 10 năm kể từ khi thế giới xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Carney cho biết thời hậu Brexit với tốc độ phát triển tăng gấp 2 lần hiện nay, ngành tài chính của Anh sẽ mang lại nhiều sức mạnh cho kinh tế Anh, tạo ra 1 triệu việc làm và đóng góp tới 11% trong tổng doanh thu thuế của nước này.
Phát biểu trên của ông Carney được cho là dội gáo nước lạnh vào một số mong muốn Anh sẽ nới lỏng các quy định hoạt động tài chính thời hậu Brexit để thu hút các công ty nước ngoài đến Anh theo kiểu mô hình "Singapore bên sông Thames," tức là theo cách thức mà Singapore hiện làm để thu hút các công ty nước ngoài đến nước này.
[Vị trí trung tâm tài chính hàng đầu của Anh bị lung lay vì Brexit]
Ông Carney cho rằng các ngân hàng trung ương và các nhà giám sát các hoạt động tài chính cần phải tăng cường vai trò giám sát và bảo vệ các hoạt động tài chính để tránh xảy ra khủng hoảng như 10 năm trước đây. Ông cho rằng thách thức đối với các thể chế ngân hàng, tài chính là phải dự báo được trước các vấn đề cũng như thúc đẩy các cải tiến sáng kiến trong lĩnh vực tài chính.
Thống đốc Carney nhấn mạnh bất chấp Brexit, khu Tài chính London luôn có một vai trò quan trọng trong tương lai, đồng thời cảnh báo các nền kinh tế châu Âu cần phải giữ nguyên quyền tiếp cận của mình tại khu Tài chính London vì Anh là "ngân hàng đầu tư của châu Âu"./.