Từ đầu tháng 4/2017, giá dừa xiêm xanh tươi tại Bến Tre liên tục tăng cao. Hiện, dừa xiêm xanh được thương lái thu mua với giá từ 140.000-160.000 đồng/chục (12 trái).
Đây là mức giá cao nhất của loại dừa này từ trước đến nay. Tuy giá tăng cao nhưng nhiều nhà vườn không có dừa để bán do ảnh hưởng thời tiết, sâu hại khiến cho năng suất giảm hơn 60-70%.
Anh Lê Đăng Tín, thương lái mua dừa tại xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, cho biết giá dừa tăng cao khiến cho thu mua rất khó khăn, các mối bán dừa quen luôn bị thương lái khác chào mời với giá cao. Để giữ mối, anh Tín phải tăng giá bằng với các thương lái khác dù phải chịu lỗ.
Trong khi đó, nhiều nhà vườn nóng lòng khi giá tăng cao nên thường gọi thương lái đến vườn thu hoạch sớm, với thời gian như vậy khiến cho những trái dừa tươi không đủ độ cứng gáo cần thiết cho việc xuất khẩu.
Theo anh Tín, trước đây mỗi ngày anh mua được hơn 7.000 trái dừa tươi các loại, nhưng hai tháng gần đây, mỗi ngày chỉ mua được hơn 1.500 trái. Giá dừa tăng cao một phần do lượng trái giảm và do thị trường xuất khẩu ngày càng tăng, anh Tín nhận định.
[Bến Tre: Nghịch cảnh xứ dừa không thể sống nhờ cây dừa]
Giá dừa xiêm xanh tăng cao khiến cho giá dừa lai tươi, dừa ta cũng tăng từ 80.000-100.000 đồng/chục (12 trái). Nhiều nhà vườn trồng dừa ta (làm nguyên liệu ép dầu) cũng đã chuyển sang bán dừa tươi, mặc dù giá dừa khô nguyên liệu cũng đang dao động từ 110.000-120.000 đồng/chục (12 trái).
Bà Nguyễn Thị Tư, xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết gia đình có hơn 50 gốc dừa xiêm xanh nhưng hiện nay chỉ thu hoạch hơn 200 trái. Do giá dừa ta tươi đang tăng cao, nên bà Tư quyết định chuyển hơn 6.000m2 đang trồng giống dừa ta để bán dừa tươi. Theo bà Tư, phải chờ sáu tháng nữa dừa ta tươi mới chuyển sang khô, không biết khi đó giá dừa khô nguyên liệu còn cao như hiện nay hay không, nên quyết định bán trước khi dừa đang có giá.
Nhiều doanh nghiệp chế biến dừa khô cũng cho rằng với đà chuyển đổi sang bán trái dừa tươi như hiện nay, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro thiếu nguồn cung dừa khô nguyên liệu trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết hiện nay do sản lượng dừa tươi sụt giảm, giá tăng cao, nhiều hộ dân đang trồng giống dừa khô làm nguyên liệu chế biến chuyển sang bán dừa tươi. Vì vậy, trong thời gian tới, nguồn cung dừa khô nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến sẽ bị ảnh hưởng. Theo ông Dũng, bán dừa tươi thì thời gian chăm sóc chỉ khoảng 6 tháng nhưng dừa khô thì mất đến một năm mới bán được.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân nên xem xét đánh giá thị trường rồi mới chuyển đổi cho phù hợp. Bởi lẽ, sau khi bán dừa tươi, nếu muốn để lại làm dừa khô nguyên liệu sẽ mất thời gian rất dài, khi đó vườn dừa sẽ không được thu hoạch, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế của người dân.
Theo ông Dũng, việc trồng xen trong vườn dừa khô nguyên liệu đang ngày càng phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích trồng dừa vì vậy người dân cần lựa chọn phương thức phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, diện tích trồng dừa của tỉnh hơn 70.000ha, trong đó dừa tươi (xiêm xanh, dừa lai) chiếm hơn 20% diện tích./.