Năm 2017 là năm có ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972-07/01/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (tháng 7/2007-7/2017).
Nhân dịp này, Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ Preeti Saran đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về mối quan hệ giữa hai nước.
- Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư tới an ninh, quốc phòng và văn hóa. Bà nhận định như thế nào về quan hệ hợp tác hiện nay giữa hai nước?
Bí thư phương Đông Preeti Saran: Ấn Độ đánh giá rất cao mối quan hệ với Việt Nam. Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ gần gũi truyền thống bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giành tự do của nhân dân hai nước do các vị lãnh tụ sáng lập nước là Thủ tướng Mahatma Gandhi và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo và được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp vun đắp.
Tình hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước luôn trước sau như một trong suốt giai đoạn Việt Nam đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, nỗ lực anh hùng để thống nhất đất nước và trong cả thời kỳ kiến thiết đất nước hiện nay.
Ngày nay, chúng ta có thể tự hào nói rằng mối quan hệ giữa hai nước được ghi dấu bằng sự tin cậy mạnh mẽ, hiểu biết lẫn nhau và nhất trí về nhiều vấn đề quốc tế cũng như tình hình an ninh ở khu vực châu Á.
Đã có tiến bộ toàn diện trong hợp tác và hỗ trợ phát triển, trao đổi chính trị, hợp tác quốc phòng-an ninh, phát triển nguồn nhân lực, quan hệ thương mại và kinh tế, giao lưu văn hóa và các suất học bổng.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 2-3/9/2016 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được nhìn nhận trong bối cảnh này. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị Thủ tướng Ấn Độ sau 15 năm và là chuyến thăm mang tính bước ngoặt.
Trong chuyến thăm này, hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp mối quan hệ hai nước từ Đối tác Chiến lược lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng mà các nhà lãnh đạo của hai nước chúng ta dành cho mối quan hệ song phương.
Năm 2017 là năm có nhiều dấu mốc trong quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam và sự phát triển của các chính sách Hướng Đông và Hành động hướng Đông của Ấn Độ.
Hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược, 2017 được tuyên bố là “Năm Hữu nghị” và nhân dịp này, chúng tôi hy vọng sẽ kỷ niệm tất cả các khía cạnh quan hệ thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, hội nghị, hội thảo, liên hoan ẩm thực, triển lãm, quảng bá hình ảnh...
Trên cương vị Bí thư phương Đông Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chương trình nghị sự của tôi sẽ là củng cố và nâng cao hơn nữa mối quan hệ song phương.
Chúng tôi hy vọng thực hiện được điều này thông qua việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao, trong đó có các chuyến thăm qua kênh Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và các tỉnh thành.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng sẽ nỗ lực để cố gắng và đảm bảo tiến hành định kỳ các cơ chế đối thoại đã xây dựng và thực hiện hiệu quả những thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên cũng như tầm nhìn mà các nhà lãnh đạo đã đưa ra cho mối quan hệ giữa hai nước.
- Hợp tác kinh tế là 1 trong 5 trụ cột của mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Xin bà cho biết về sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, đặc biệt là kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện? Ấn Độ và Việt Nam nên làm gì để khai thác những thế mạnh của mình nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại?
Bí thư phương Đông Preeti Saran: Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi tháng 9/2016, Thủ tướng Modi và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bước đi mang tính lịch sử là nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện và xác định tăng cường hợp tác kinh tế là một ưu tiên chiến lược.
Hợp tác trong các dự án quốc phòng, công nghiệp, năng lượng và bảo tồn năng lượng, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, xây dựng, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may, da và cơ sở hạ tầng là những lĩnh vực trọng tâm cụ thể.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Modi cũng đã công bố gói tín dụng quốc phòng mới trị giá 500 triệu USD cho Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng hai nước trở nên sâu sắc hơn.
Một loạt thỏa thuận đã được hai bên ký kết trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nhận các tiêu chuẩn của nhau, tài chính, công nghệ thông tin và hợp tác về vũ trụ, qua đó đã tạo dựng các khuôn khổ tốt để tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Thương mại song phương đang phát triển với tốc độ tốt và hiện ở khoảng 8 tỷ USD; các nhà lãnh đạo hai nước đã đặt mục tiêu thương mại đến năm 2020 đạt 15 tỷ USD và cả hai bên cam kết đạt được điều này.
Ấn Độ mong muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam, hiện mức đầu tư đã hơn 1,2 tỷ USD, và sẽ tăng lên gấp ba trong vài năm tới một khi một số khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mang lại kết quả.
Tương tự, chúng tôi cũng muốn mời các doanh nghiệp và ngành nghề của Việt Nam coi Ấn Độ là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Mặc dù Ấn Độ và Việt Nam có mối quan hệ chính trị tuyệt vời nhưng quan hệ kinh tế chưa theo kịp được tốc độ.
Để hiện thực hóa được mục tiêu đến năm 2020 đạt 15 tỷ USD mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra, chúng ta cần phải tích cực cộng tác để tăng cường trao đổi các đoàn thương mại, hướng tới doanh nghiệp và ngành nghề, khuyến khích đầu tư hai bên để thúc đẩy thương mại.
Hồi tháng 11/2016, chúng tôi đã có một đoàn thương mại cấp cao gồm các tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) do Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII) dẫn đầu sang Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào các hoạt động xúc tiến thương mại trong lĩnh vực dệt, dược phẩm, thiết bị y tế, đá quý và trang sức, xe thương mại, phụ tùng ôtô, máy móc và thiết bị, các sản phẩm da, giày.
Hàng rào thuế quan và phi thuế quan, trong đó có một số hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, vẫn là những rào cản chính cho phát triển thương mại song phương và chúng đang được cả hai bên giải quyết.
Ấn Độ và Việt Nam đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho các luồng thương mại giữa hai nước thông qua việc giảm thiểu áp dụng rào cản thương mại, từng bước dỡ bỏ/bãi bỏ các rào cản thương mại theo Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ.
Chúng tôi tin rằng thương mại song phương sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ khi thuế quan đối với nhiều hàng hóa được bãi bỏ hoặc giảm đáng kể theo thỏa thuận này.
Chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11/2016 của đoàn CEO do Chủ tịch CII dẫn đầu đã tạo được sự quan tâm lớn trong lĩnh vực năng lượng có thể tái tạo.
Nhiều công ty Ấn Độ đang thảo luận với các đối tác Việt Nam và chính quyền các tỉnh, thành để thực hiện các dự án năng lượng Mặt Trời và gió quy mô lớn.
Chúng tôi lạc quan rằng các dự án mới trong lĩnh vực năng lượng có thể tái tạo sẽ được triển khai sớm, đặc biệt là vì các công ty Ấn Độ có chuyên môn, quy mô và kinh nghiệm tốt trong lĩnh vực năng lượng có thể tái tạo do Thủ tướng Modi quyết định sản xuất 175 GW năng lượng có thể tái tạo, trong đó 100 GW là từ năng lượng Mặt trời và 60 GW là từ năng lượng gió.
Bảo tồn năng lượng cũng là một lĩnh vực tiềm năng khác trong hợp tác kinh tế song phương. 1 MW tiết kiệm được là 1 MW được sản xuất với chi phí rẻ hơn đáng kể.
Trong chuyến thăm mới đây của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, một bản ghi nhớ đã được ký kết giữa Công ty Dịch vụ hiệu quả năng lượng (EESL) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
EESL đang tiếp xúc với một số tỉnh để cung cấp các giải pháp hiệu quả năng lượng dựa trên kinh nghiệm thay thế 197 triệu bóng đèn thông thường bằng bóng đèn LED giúp tiết kiệm được hơn 1,5 tỷ USD và 25.000 triệu kW/h mỗi năm, đồng thời làm giảm đáng kể lượng khí thải CO2.
Trong lĩnh vực dệt may, Ấn Độ và Việt Nam có nhiều thế mạnh có thể bổ sung cho nhau. Việt Nam mạnh về may mặc và đang cố gắng đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vải, sợi cùng các phụ kiện khác; Ấn Độ lại là một thị trường tiềm năng cho các nguồn nguyên liệu đầu vào này.
Hợp tác khoa học và công nghệ cũng là một lĩnh vực rất quan trọng. Chính phủ hai nước đang hợp tác chặt chẽ để cùng sử dụng hòa bình không gian và công nghệ năng lượng nguyên tử.
Cả hai bên đã ký các thỏa thuận trong lĩnh vực này trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi và chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chúng tôi cũng muốn thúc đẩy sự tương tác lớn hơn nữa giữa các công ty hai nước trong công nghệ thông tin và các dịch vụ phần mềm, dịch vụ thiết kế và xây dựng, trong nghiên cứu và phát triển.
- Với tốc độ cải cách và phát triển nhanh chóng, Ấn Độ đang nổi lên như một cường quốc hàng đầu về kinh tế, chính trị và ngày càng đóng vai trò quan trọng vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, bà có thể cho biết quan điểm của Ấn Độ trong giải quyết vấn đề này như thế nào?
Bí thư phương Đông Preeti Saran: Lập trường của chúng tôi về Biển Đông là nhất quán. Điều này có thể thấy trong Tuyên bố chung được đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Modi hồi tháng 9/2016, chúng tôi nhắc lại mong muốn và quyết tâm của mình là hợp tác cùng với Việt Nam để duy trì hòa bình, ổn định, tăng trưởng và thịnh vượng ở châu Á và ngoài khu vực này.
Ghi nhận phán quyết được đưa ra ngày 12/7/2016 của Tòa Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, chúng tôi nhắc lại Ấn Độ ủng hộ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS.
Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, hoàn toàn tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chúng tôi cũng thừa nhận các tuyến đường biển liên lạc qua Biển Đông là vô cùng quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển.
Ấn Độ, là một bên tham gia UNCLOS, hối thúc tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng triệt để UNCLOS vốn tạo ra trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương.
- Để thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia phía Đông, trong đó có các nước ASEAN, Ấn Độ đã chuyển từ chính sách Hướng Đông thành chính sách Hành động hướng Đông, bà có thể cho biết vị trí của Việt Nam trong chính sách này?
Bí thư phương Đông Preeti Saran: Chính phủ Ấn Độ đã đặt bối cảnh và tầm nhìn mới cho quan hệ song phương trong khuôn khổ các cách tiếp cận Hướng Đông và Hành động hướng Đông của mình, trong đó Việt Nam mà một trụ cột quan trọng và ASEAN cũng quan trọng đối với chúng tôi xét về mặt lịch sử, địa lý, không gian kinh tế và chiến lược mà chúng tôi chia sẻ.
Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Việt Nam cho hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong khả năng của mình với tư cách là nước Điều phối viên quan hệ ASEAN-Ấn Độ trong giai đoạn 2015-2018.
Cả hai nước chúng ta cam kết tăng cường quan hệ đối tác trong các khuôn khổ Ấn Độ-ASEAN và Mekong-Sông Hằng.
Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác và phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
- Xin trân trọng cảm ơn bà./.