Để thúc đẩy tiềm năng hợp tác giữa các nước khu vực Mekong và Ấn Độ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh cần tăng cường kết nối giao thông cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không cũng như tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt về thủ tục hải quan.
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Philippines, đây là một trong những đề xuất của Việt Nam được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Sông Hằng (MGC) lần thứ 8, diễn ra ngày 7/8 trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) và các hội nghị liên quan tại Manila (Philippines).
Hội nghị có sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.
Bên cạnh lĩnh vực giao thông, Việt Nam cũng đề nghị các nước đẩy mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cũng như quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, sông Hằng.
[Việt Nam đề xuất nhiều sáng kiến tăng cường hợp tác Mekong-Nhật Bản]
Đề nghị này đã được các nước trong khu vực hết sức đồng tình và nhất trí thành lập nhóm công tác về giao thông để xây dựng các biện pháp tăng cường kết nối đường bộ, đường không và đường biển; xây dựng "Đường mòn Phật giáo" qua các nước MGC và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan du lịch các nước MGC.
Các bộ trưởng cũng cho rằng cần nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới nhằm củng cố liên kết kinh tế và phát huy tiềm năng thương mại và đầu tư giữa các nước Mekong và Ấn Độ.
Một số nội dung hợp tác mới được đề xuất gồm: phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ (MSMEs); tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh MSMEs toàn cầu; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp MGC; tổ chức Diễn đàn Kinh doanh MGC thường niên với diễn đàn đầu tiên sẽ được tổ chức tại Ấn Độ vào tháng 1/2018; nghiên cứu triển khai hợp tác về y tế, đặc biệt là trong phòng chống bệnh sốt rét.
Bên cạnh đó, hội nghị đã rà soát tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Mekong-Sông Hằng giai đoạn 2016-2018 và thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong thời gian tới.
Các bộ trưởng hoan nghênh kết quả đạt được thời gian qua, điển hình là dự án Bảo tàng Dệt may truyền thống châu Á tại Siam Reap; chương trình học bổng MGC với hơn 900 suất học bổng mỗi năm cấp cho các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; dự án Trung tâm Lưu trữ dữ liệu chung tại Đại học Nalanda, Ấn Độ.
Các bộ trưởng cũng đánh giá cao việc Quỹ Dự án hiệu quả nhanh MGC đã tài trợ 26 dự án của của các nước Mekong./.