“Thách thức của một nền kinh tế mới nổi là làm sao để có thể phát triển bền vững, vừa đảm bảo tương lai lâu dài đồng thời bảo vệ người dân tránh được tình trạng có sự chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội.
Đây chính là một trục ưu tiên trong các hoạt động tài trợ tới đây của Pháp vào Việt Nam,” ông Resmi Gevevey, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam cho biết trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Vietnam+, nhân kỷ niệm 20 năm Cơ quan Phát triển Pháp có mặt tại Việt Nam (1994-2014.)
- Chặng đường 20 năm, các dự án thực hiện từ nguồn hỗ trợ của AFD đã phát huy được tính hiệu quả đồng thời ghi những dấu ấn đậm nét trong mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp. Ông có thể đưa ra những đánh giá về quá trình này?
Ông Resmi Gevevey: Trong 20 năm qua, Cơ quan Phát triển Pháp đã tài trợ 75 dự án tương đương với khoảng 1,5 tỷ euro (khoảng 7,2 tỷ USD) cho Việt Nam, trong đó một số dự án đã được hoàn thành.
Cụ thể, những dự án của AFD thời gian qua triển khai và quy hoạch được 125.000ha đất trồng trọt tại các khu nông nghiệp đồng thời cấp nước sạch cho khoảng 20 triệu người, qua đó tạo ra những tác động tích cực lên đời sống của người dân.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải phân biệt các giai đoạn khác nhau trong quá trình triển khai các dự án tại Việt Nam, đặc biệt là về mục tiêu của các hoạt động.
Trong những thời kỳ đầu, các dự án của AFD vào Việt Nam chủ yếu nhằm đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu của mục tiêu thoát khỏi tình trạng nghèo đói song hành với phát triển nhanh chóng. Do đó, các dự án tập trung vào việc tái thiết lại tiềm năng nông nghiệp của Việt Nam và những nhu cầu ngắn hạn.
Nhưng tình hình hiện nay đã khác nhiều, Việt Nam đang phải đối mặt với những yêu cầu, thách thức của một nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, các dự án và hoạt động của chúng tôi đang bước vào một giai đoạn mới.
Những thách thức mà Việt Nam cần phải làm bây giờ là có một tỷ lệ tăng trưởng kinh tế nhanh và cao trong thời gian dài, bên cạnh đó vẫn đáp ứng được những đòi hỏi về phát triển bền vững.
Phát triển bền vững ở đây tức là, phải làm sao vừa đảm bảo tương lai lâu dài, vừa bảo vệ người dân tránh được tình trạng có sự chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội. Đó cũng là lý do vì sao hiện nay chúng tôi tập trung các hoạt động của vào ba trục cơ bản sau.
Trục thứ nhất là phát triển đô thị một cách bền vững (tránh những tác động tiêu cực lên người dân và chất lượng cuộc sống của họ) và vững mạnh (đảm bảo sự công bằng, không để cho người dân rơi vào tình trạng ở ngoài rìa xã hội.)
Trục thứ hai là phát triển lĩnh vực sản xuất đồng thời tìm và nghiên cứu những tác động tích cực lên xã hội và môi trường. Theo đó, chúng tôi sẽ tài trợ để nâng cao năng suất, chất lượng các ngành nông nghiệp, trong đó chú ý đến sự tham gia của người nông dân sản xuất trong các lĩnh vực sữa, chè, thủy sản. Ngoài ra những chương trình này còn bao gồm cả hỗ trợ về đào tạo nghề hoặc cấp những ứng dụng tài chính vi mô cho người dân.
Trục thứ ba, chúng tôi đang triển khai hỗ trợ Việt Nam chống biến đổi khí hậu thông qua những dự án, như dự án chống lũ lụt, dự án về cơ sở hạ tầng thủy nông hay các khoản hỗ trợ nhà nước trong việc xây dựng những chính sách công liên quan tới biến đổi khí hậu.
- Ông có thể cho biết, trong số các dự án đã triển khai, có bao nhiêu dự án đã hoàn thành và bao nhiêu dự án chậm triển khai so với tiến độ đặt ra trước đó?
Ông Resmi Gevevey: Trong tổng số 75 dự án mà AFD đã và đang tài trợ có 45 dự án đã hoàn thành và 30 dự án đang triển khai.
Phần lớn các dự án chúng tôi tài trợ đều là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, mà thời gian thực hiện những dự án đều rất dài. Bởi thế, quá trình triển khai sẽ kéo theo nhiều sự kiện và vấn đề phát sinh khiến tiến độ dự án bị chậm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có biên độ về mặt thời gian thực hiện nhất định.
Các dự án của chúng tôi cho vay là thường khoảng 20 năm, thời kỳ ân hạn từ 5 năm đến 7 năm. Tôi cho rằng, thời gian ân hạn như vậy là đã đủ để triển khai dự án.
Còn cụ thể, rất khó để trả lời có bao nhiêu dự án chậm tiến độ so với dự kiến. Bởi, khi đó chúng ta cần xác định rõ, chậm so với cái gì, chậm so với tiêu chí nào. Tuy nhiên trên thực tế, có rất ít dự án của chúng tôi tồn tại những phần chậm trễ quan trọng và cũng rất ít dự án chậm trễ khiến chúng tôi phải đặt lại vấn đề là có tiếp tục triển khai nữa hay không.
Ví dụ, dự án về tàu điện ngầm của Hà Nội là dự án có rất nhiều chậm trễ. Tuy nhiên sau quá trình đánh giá, chúng tôi nhận thấy, đây là dự án vẫn có thể triển khai và mặc dù cho tới hiện nay, tổng kinh phí đầu tư cho dự án này đã tăng lên khá nhiều.
Song, câu hỏi này được đặt ra hoàn toàn chính đáng với các bên liên quan. Hiện nay, thời hạn từ lúc nhà tài trợ ra quyết định phê duyệt, đồng ý cấp khoản vay cho đến lúc ký được thỏa ước còn quá dài. Bên cạnh đó, hai bên cần đánh giá lại việc thi hành những dự án bởi thời gian giải ngân là khá lâu.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng triển khai dòng vốn hỗ trợ cho Việt Nam?
Ông Resmi Gevevey: Trong 20 năm qua, AFD đã tài trợ cho Việt Nam 1,5 tỷ euro và Việt Nam đã thụ hưởng được nguồn hỗ trợ công đến gần 7 tỷ euro/năm, tương đương khoảng 5% GDP.
Đây là một con số lớn, bởi thế cần đặt ra câu hỏi về khả năng của Nhà nước trong việc đầu tư triển khai toàn bộ các chương trình đã cam kết thực hiện, qua đó đánh giá xem hiệu quả sử dụng nguồn vốn đến đâu.
Theo nhận xét của riêng tôi, về tổng thể thì việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam khá tốt.
Tôi nhấn mạnh, vừa qua chúng ta thường nhìn vào các dự án chậm trễ trong quá trình triển khai mà quên mất những dự án đã hoàn thành đồng thời kết quả triển khai những dự án đó là tốt.
AFD cũng như các nhà tài trợ khác đều có quá trình đánh giá các dự án của mình bằng cách huy động các đơn vị tư vấn độc lập. Đánh giá của các tư vấn này về các tiêu chí như hiệu quả thực hiện dự án, tác động tích cực đối với người dân và nhìn chung, đánh giá của họ đều cho rằng dự án được thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra.
Tôi tin chất lượng phát triển của Việt Nam trong 15 năm vừa qua rất tốt và nó cũng được hỗ trợ nhiều bởi các nhà phát triển, qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. Điều này còn đặc biệt đúng với những nguồn hỗ trợ để chống lại tình trạng nghèo đói.
AFD cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ những khoản tài trợ mới cho Việt Nam, trong đó phần lớn là các khoản vay phù hợp với chiến lược hoạt động mà tôi đã chia sẻ ở trên./.