Abenomics giai đoạn hai: An sinh xã hội – Bài toán hóc búa

Abenomics giai đoạn hai chính thức được khởi động với ba mũi tên mới gồm xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, tăng tỷ lệ sinh và tăng số nhà dưỡng lão.
Abenomics giai đoạn hai: An sinh xã hội – Bài toán hóc búa ảnh 1Thủ tướng Abe đối mặt với bài toán nhân lực trong ngành điều dưỡng.

Sau thành công của việc Quốc hội thông qua luật an ninh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chuyển trọng tâm ưu tiên sang các vấn đề kinh tế.

Abenomics giai đoạn hai chính thức được khởi động với ba mũi tên mới gồm xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, tăng tỷ lệ sinh và tăng số nhà dưỡng lão.

Rõ ràng cùng với các biện pháp kinh tế, Thủ tướng Abe đã xác định an sinh xã hội là một công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng.

Bài toán nhân lực

Cải cách an sinh xã hội là một vấn đề đóng vai trò tối cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng cơ cấu dân số già tạo ra những áp lực lớn.

Trước hết, đó là vấn đề lực lượng lao động. Có quá nhiều lao động phải nghỉ việc để chăm sóc cho cha mẹ già do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các cơ sở chăm sóc điều dưỡng, đặc biệt là hệ thống nhà dưỡng lão cho người già hiện đang được điều hành bởi các tổ chức phúc lợi xã hội và chính quyền địa phương.

Ước tính có khoảng 150.000 người già đang chờ đợi đến lượt được vào các cơ sở này, hầu hết ở cấp độ 3 (trong hệ thống 5 cấp độ) hoặc cao hơn, tức là không tự chăm sóc được bản thân, cần sự hỗ trợ đặc biệt.

Điều này kéo theo thực trạng hàng năm có khoảng 100.000 người trong độ tuổi lao động bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già. Hầu hết những người bỏ việc ở độ tuổi 40 và 50, được coi là độ tuổi lao động tốt nhất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có vài nhân công.

Theo Thủ tướng Abe, đến năm 2020, khoảng 8 triệu người, những người được sinh ra trong giai đoạn bùng nổ tỷ lệ sinh 1947-1949, sẽ bước vào tuổi 70. Hệ thống nhà dưỡng lão chăm sóc người già sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu được nếu như không được cải thiện.

Trong trường hợp đó, những người được sinh ra trong giai đoạn 1971-1974, là con của thế hệ bùng nổ tỷ lệ sinh, đang trong trong thời kỳ làm việc tốt nhất, phải nghỉ việc để chăm sóc cha mẹ thì “nền kinh tế và xã hội Nhật Bản sẽ sụp đổ.”

Nhằm giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Abe đã cam kết tăng thêm số nhà dưỡng lão với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu nhà dưỡng lão cho người già trên toàn quốc. Điều này sẽ giúp giảm số người trong độ tuổi lao động phải bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, một yếu tố quan trọng trong chiến lược tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn.

Văn phòng Thủ tướng và Bộ Tài chính soạn thảo một bản ghi nhớ với tựa đề "Một chính sách rõ ràng nhằm chấm dứt tình trạng lao động bỏ việc để chăm sóc cha mẹ già". Bản ghi nhớ nhấn mạnh từ "tăng tốc" trong việc xây dựng các nhà dưỡng lão và các cơ sở liên quan bắt đầu từ năm tài chính này.

Tuy nhiên, dự thảo này đã vấp phải sự phản đối từ hai đơn vị là Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội và Bộ Tài chính. Theo bộ này, tính đến năm 2025, Nhật Bản phải cần tới 2,53 triệu lao động làm việc trong các nhà dưỡng lão. Dự kiến đến thời điểm đó, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 377.000 lao động trong lĩnh vực này.

Như vậy việc tăng số nhà dưỡng lão theo mục tiêu của ông Abe thậm chí có thể làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt lao động. Chính phủ cân nhắc việc tăng tuyển dụng lao động nước ngoài cho lĩnh vực điều dưỡng song điều này vẫn đang là một chủ đề tranh cãi quyết liệt giữa các cơ quan trong chính phủ.

Gánh nặng kinh phí an sinh xã hội

Thách thức tiếp theo là nếu số lượng nhà dưỡng lão tăng lên, có nguy cơ những người đang sống tại các cơ sở dưỡng lão tư nhân có trả phí và những người chưa thực sự có nhu cầu cần phải chăm sóc đặc biệt, vẫn có thể tự chăm sóc tại nhà, sẽ muốn được chuyển vào các nhà dưỡng lão của nhà nước.

Điều đó gây nên lo ngại ngân sách chăm sóc điều dưỡng sẽ phình to. Đây là lý do tại sao Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã đẩy mạnh việc chăm sóc tại nhà trong những năm gần đây và siết chặt tiêu chuẩn được vào nhà dưỡng lão. Từ tháng 4/2015, việc nhập viện điều dưỡng được quy định từ cấp độ 3 trở lên.

Về kinh phí hỗ trợ, trong năm tài chính 2015, mỗi người già từ 65 tuổi trở lên sẽ được chi trả khi ở nhà dưỡng lão là 5.514 yen/tháng từ ngân sách bảo hiểm quốc gia. Con số này dự kiến sẽ là 6.771 yen trong năm tài chính 2020 và 8.165 yen trong năm tài khóa 2025, nhưng các chuyên gia dự đoán con số này "sẽ sớm vượt mức 10.000 yen/tháng nếu chi phí chăm sóc y tế tiếp tục tăng lên."

Trong khi nhu cầu cải thiện hệ thống chăm sóc cho người già đang cấp thiết thì Chính phủ Nhật Bản đang đối mặt với một vấn đề lớn, đó là giảm chi phí dành cho an sinh xã hội trong tài khoá 2016. Dự kiến, ngân sách dành cho an sinh xã hội tài khoá 2016 tăng thêm tới 670 tỷ yen (5,6 tỷ USD).

Chính phủ đang dự định giảm con số này xuống còn khoảng 500 tỷ yen. Vấn đề là làm cách nào để cắt đi 170 tỷ yen khi ông Abe đang đề xuất việc cải thiện hệ thống an sinh xã hội trên quy mô lớn. Dự kiến, đến năm 2025, khi những người được sinh trong thế hệ bùng nổ tỷ lệ sinh bước vào tuổi 75, chi phí cho lĩnh vực này sẽ lên tới 61 nghìn tỷ yen.

Những biện pháp “khắc khổ”

Hiện tại, mục tiêu chính cắt giảm là nhằm vào chi phí dịch vụ y tế. Bộ Tài chính khăng khăng nói rằng việc cắt khoản chi này là bình thường. Theo bộ này, nếu giảm 1% phí dịch vụ y tế, ngân sách sẽ giảm được 110 tỷ yen.

Trong khi đó, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, là phản đối việc cắt giảm này với lý do khoản ngân sách này đã bị giảm trong hai năm qua và nếu việc cắt giảm này tiếp tục diễn ra thì nhiều cơ sở y tế phải ngừng hoạt động.

Trước đó, hồi tháng Năm, Uỷ ban đặc biệt của Đảng Dân chủ tự do cầm quyền (LDP) đã trình các đề nghị cải cách mà được gọi là “những cải cách khắc khổ.”

Ủy ban này do Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP, ông Tomomi Ida đứng đầu, đưa ra khá nhiều đề xuất, trong đó có đề xuất bổ sung một khoản phí lớn vào số tiền mà bệnh nhân ngoại trú phải tự thanh toán và tăng các khoản chi trả bằng tiền mặt đối với những người già từ 75 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các đề xuất này sau đó đã không được đưa ra thảo luận do vấp phải sự phản đối từ chính các nghị sĩ của LDP.

Một quan chức thừa nhận trong bối cảnh khá nhạy cảm khi chính phủ vừa tăng thuế tiêu dùng và kỳ bầu cử Thượng viện mùa Hè 2016 đang tiến gần, chính phủ không thể nào tăng thêm gánh nặng an sinh xã hội đang đè lên vai người dân. Đó là lý do mà nội các mới của Thủ tướng Abe không muốn đề cập đến vấn đề cắt giảm ngân sách dành cho an sinh xã hội.

Tuy nhiên, làm cách nào để chính phủ của Thủ tướng Abe vừa nói về một tương lai màu hồng, đồng thời lại đưa ra những đề nghị “cải cách khắc khổ”. Rõ ràng, ông Abe đang đối mặt với một bài toán rất hóc búa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục