Đôi khi việc tin vào một chuyện tưởng tượng dễ hơn là đối mặt với thực tế - và khi nói đến tiền bạc, rất nhiều người có những niềm tin sai lầm.
Khi bạn còn trẻ, tương lai dường như ở rất xa, và bạn nghĩ rằng sau này vẫn còn thời gian để bù đắp lại những sai lầm tài chính của mình.
Thật không may, khi bạn để dành tiền để nghỉ hưu hay tìm cách xử lý khi hóa đơn thẻ tín dụng đến hạn, những lời nói dối về tiền bạc có thể mang lại hậu quả nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.
Nếu bạn thực sự muốn sống đời sống tài chính như mình mơ ước, hãy thực tế hơn. Dưới đây là 11 lời nói dối phổ biến nhất bạn nên ngừng tự nhủ bản thân trước khi quá muộn, theo Business Insider.
1. Tôi sẽ là triệu phú vào năm 30 tuổi
Sự thật: Bạn không thể trở nên giàu có chỉ sau một đêm.
Một số người nghĩ rằng họ có thể đi đường tắt để trở nên giàu có, nhưng thực tế là bạn cần rất nhiều thời gian để làm giàu. Adam Vega, nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp kiêm quản lý tài sản của công ty United Capital cho biết ông thường xuyên nghe thấy lời nói dối này.
"Rất nhiều người tin rằng họ sẽ kiếm được thu nhập cao hơn hay đạt được một mục tiêu làm giàu không thực tế ở một độ tuổi nào đó," Vega cho biết. "Mặc dù việc đặt ra các mục tiêu cho bản thân là rất quan trọng, nhưng việc đánh giá lại và đưa ra những mục tiêu có thể đạt được còn quan trọng hơn."
Dù bạn có thể không tiết kiệm được một số tiền nào đó ở một độ tuổi nhất định nào đó, đặt ra các mục tiêu tiết kiệm vẫn là một hành động thông minh. Hãy cân nhắc xem bạn kiếm được bao nhiêu tiền, bạn nghĩ mình sẽ sống được bao lâu và bạn sẽ cần bao nhiêu tiền để nghỉ hưu.
Mục tiêu có thể sẽ khá lớn, nhưng thay vì ép mình phải đáp ứng một hạn chót quá ngắn, bạn có thể đi những bước chậm rãi và chắc chắn hơn để chiến thắng cuộc đua.
2. Tôi sẽ bắt đầu tiết kiệm ngay sau khi tôi kiếm được X đồng
Sự thật: Bạn có thể sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu đó, vì thế hãy bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ.
Vega cũng lưu ý rằng nhiều người nghĩ rằng họ có thể trì hoãn việc tiết kiệm tới khi họ kiếm được một mức thu nhập nào đó. Tuy nhiên, tuổi tác không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự giàu có.
"Thật không may, rất nhiều khách hàng từng nói với tôi họ sẽ tiết kiệm nhiều hơn khi họ ra làm riêng, lập công ty, kiếm được thu nhập 6 con số..." Vega nói. "Hoặc là những điều đó mất thời gian hơn dự tính, hoặc thường gặp hơn là chúng chẳng bao giờ xảy ra."
Khi bạn trì hoãn việc tiết kiệm tới khi bạn đạt được một cột mốc nào đó, nhiều khả năng bạn sẽ không đạt được những mục tiêu bạn đặt ra cho mình.
Như Vega đã nói, "Mục tiêu là hãy bắt đầu tiết kiệm theo sức bạn có thể, và càng sớm càng tốt. Ngoài ra, hãy chắc chắn sẽ tận dụng hết không chỉ những lợi thế từ các chương trình hỗ trợ của chủ lao động, mà cả những lợi ích về thuế mà hầu hết các chương trình hưu trí mang lại."
3. Tôi không phải là kiểu người có thể làm kinh doanh
Sự thật: Bạn đã là một chủ doanh nghiệp.
Nếu điều kiện tài chính của bạn không dư dả vì bạn chỉ vừa tốt nghiệp hay đã quyết định đổi nghề, làm một số công việc kinh doanh tay trái là một cách khôn ngoan để kiếm sống. Mặc dù nhiều người khẳng định họ không có tinh thần xcoikinh doanh cần thiết để làm những việc đó, sự thật là tất cả những gì bạn cần chỉ là một chút thúc ép.
"Bạn đã là một doanh nhân rồi," nhà tư vấn tài chính Rob Wilson thuộc công ty Wilson Insight chia sẻ. "Bạn là giám đốc điều hành, giám đốc tài chính và giám đốc sản xuất của công ty mang tên "chính bạn". Bạn đang điều hành doanh nghiệp của chính mình. Vấn đề là, bạn mới chỉ có một khách hàng - bản thân bạn."
Bắt đầu công việc kinh doanh tay trái sẽ giúp bạn tăng thu nhập và bảo đảm an ninh tài chính nếu bạn bị sa thải hay không thể làm công việc thông thường của mình. Nếu suy nghĩ làm thêm việc khiến bạn thấy bị lấn át, Wilson gợi ý bạn có thể đặt mục tiêu chỉ thêm một nguồn thu nhập mới trong vòng 3 tháng tới.
"Đó có thể là bán hàng trên eBay/Amazon, lái xe cho Uber/Lyft hay kiếm tiền từ chuyên môn của bạn bằng cách huấn luyện, tư vấn hay phát biểu trước đám đông," Wilson cho biết.
4. Tiền bạc là cội rễ của mọi điều xấu xa
Sự thật: Tiền bạc chỉ là một công cụ - bạn làm gì với tiền mới thể hiện bản chất của nó.
"Nếu bạn nghĩ tiền đồng nghĩa với những điều xấu, bạn sẽ chẳng bao giờ theo đuổi những sự nghiệp hay công việc cho phép bạn kiếm được nhiều tiền," Wilson nhận định. "Điều đó sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chăm lo cho gia đình của bạn theo cách bạn muốn."
Thay vào đó, mọi người nên thay đổi suy nghĩ của mình và nhận ra rằng tiền là công cụ cho phép họ có được cuộc sống họ xứng đáng và giúp họ chăm lo cho gia đình của mình. Ngoài ra, các cá nhân cần đặt các mục tiêu kiếm tiền rõ ràng để bảo đảm họ vẫn đang đi đúng hướng.
"Hãy lập một bảng tầm nhìn tập trung vào những điều mà tiền có thể giúp bạn làm được," Wilson gợi ý. "Nếu tôi kiếm được thêm 100.000 USD vào năm tới, tôi sẽ có thể đưa vợ tôi đi nghỉ mát. Tôi có thể để dành tiền cho các con đi học. Tôi có thể bảo đảm mẹ tôi được chăm sóc y tế đầy đủ."
Ngoài ra, Wilson cũng khuyên mọi người nên cố gắng chia sẻ sự giàu có của mình. "Như Jay-Z đã nói, "Tôi không thể giúp người nghèo nếu tôi cũng nghèo. Nên tôi phải làm giàu rồi chia sẻ sự giàu có ấy. Với tôi, đó là tình huống đôi bên cùng có lợi."
5. Thẻ tín dụng cũng chẳng tốt đẹp gì
Sự thật: Có rất nhiều lý do chính đáng để dùng thẻ tín dụng.
Việc sử dụng thẻ tín dụng không phải lúc nào cũng xấu. Hơn nữa, cách nghĩ thái cực này có thể khiến bạn bị mất điểm tín dụng trong dài hạn.
"Thẻ tín dụng với hạn mức phù hợp, cùng số tiền tiêu/trả lại hợp lý sẽ làm tăng điểm tín dụng của bạn nhanh chóng," Mike Catania, giám đốc công nghệ của PromotionCode.org cho hay.
"Một tấm thẻ hạn mức thấp với lãi suất bình quân năm APR thấp được thanh toán đầy đủ hàng tháng là một công cụ tuyệt vời để xây dựng điểm tín dụng cần thiết nhằm tận dụng những mức lãi suất thấp kỷ lục của các khoản thế chấp hay vay mua ôtô."
Bí quyết để dùng thẻ tín dụng theo cách có lợi cho bạn là bạn phải có trách nhiệm. Nếu bạn dành thời gian để xây dựng tín dụng tốt - và thanh toán các hóa đơn đều đặn hàng tháng - bạn có thể tận dụng nhiều lợi ích, như khả năng được vay mua ôtô không phải trả lãi, thuê một căn hộ sang trọng hay thậm chí kiếm được công việc trong mơ.
Trong thực tế, một bài báo gần đây trên trang Credit Karma đã tiết lộ rằng một số nhà tuyển dụng thực tế có kiểm tra hồ sơ tín dụng của các ứng viên.
6. Tôi sẽ chờ tới khi thị trường ổn định hơn mới đầu tư
Sự thật: Chẳng bao giờ có cái gọi là "thời điểm hoàn hảo" để nhảy vào thị trường chứng khoán.
Nếu những thăng trầm của thị trường chứng khoán khiến bạn không dám đầu tư, vậy thì chẳng có thời điểm nào tốt hơn ngay lúc này để đầu tư cả. Càng sớm bắt đầu, bạn càng có thêm nhiều thời gian để mua những chứng khoán tiềm năng với giá rẻ và kiếm tiền từ những đợt lên giá cao lịch sử.
Damien M. Adams, nhà sáng lập công ty tài chính Zovason Financial cho biết, "Với những nhà đầu tư tuổi dưới 30, các nghiên cứu đã cho thấy càng sớm đầu tư vào thị trường bao nhiêu, bạn càng có nhiều thời gian vượt qua những biến động thị trường bấy nhiêu.
Trong lịch sử, thị trường chứng khoán đi lên theo thời gian, và một khoản đầu tư dài 35 năm (nếu bạn nghỉ hưu lúc khoảng 65 tuổi) vào một quỹ chỉ số theo S&P 500 sẽ rất có lợi cho nhà đầu tư."
Trừ khi bạn có một cỗ máy thời gian, hay một quả cầu tiên tri, bạn khó có thể đoán được thị trường sẽ diễn biến thế nào.
"Chuyện đó giống như đứng bên bể bơi, tự hỏi nước lạnh thế nào và cân nhắc xem bạn có nên nhảy vào không vậy," Adam so sánh. "Cách tốt nhất để biết nước lạnh hay không là cứ nhảy vào thôi."
Nếu bạn không chắc phải bắt đầu từ đâu, Adams gợi ý hãy tự động gửi một khoản nhất định mỗi tháng vào một tài khoản của một công ty môi giới trực tuyến. Bằng cách đó, bạn sẽ không cần phải đầu tư quá lớn vào thị trường ngay một lúc.
7. Bảo hiểm khuyết tật và bảo hiểm nhân thọ chỉ dành cho người ốm hay người già
Sự thật: Bạn cần mua loại bảo hiểm này ngay khi còn trẻ và khỏe mạnh.
Emory J. Smith của EJS Financial Management nói rằng hầu hết những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ ông gặp đều nghĩ rằng họ không cần bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm khuyết tật vì họ còn trẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên sự thật là những người trẻ tuổi cần mua bảo hiểm từ khi họ vẫn còn sức khỏe.
Smith nói, "Những người ở độ tuổi 30 thường là sắp kết hôn, sắp lập gia đình, sắp mua nhà, sắp trả hết nợ vay đi học đại học và có trách nhiệm tài chính rất lớn. Bỏ ra một phần nhỏ thu nhập hàng năm để bảo vệ số thu nhập còn lại không phải là một hành động thiếu suy nghĩ."
Theo Smith, tài sản lớn nhất mà hầu hết những người ở độ tuổi 30 có là tiềm năng kiếm thêm nhiều tiền trong tương lai.
"Chúng ta không ngần ngại bảo vệ nhà cửa và xe hơi của mình bằng bảo hiểm, nhưng rất nhiều người lại không muốn cân nhắc bảo vệ cuộc sống của họ theo cách tương tự," Smith cho biết và nói thêm rằng nhiều gói hỗ trợ việc làm hay người khuyết tật không hỗ trợ được nhiều cho những người không có khả năng làm việc.
Nếu bạn muốn mua bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm khuyết tật, Smith gợi ý bạn liên lạc với một nhà môi giới độc lập có thể giải thích các lựa chọn hiện có tại nhiều công ty uy tín.
8. Nếu tôi ngừng thanh toán các khoản nợ vay đi học, chúng sẽ được xóa sổ
Sự thật: Các khoản nợ vay đi học của bạn gần như sẽ không thể được xóa sổ.
Nhiều người trẻ mơ ước về sự tự do tài chính họ sẽ được hưởng nếu những khoản vay đi học của họ bỗng nhiên được xóa nợ. Tuy nhiên, thực tế là rất ít người hội đủ điều kiện cho những món quà đó.
Sự thật thì những ưu đãi đó chỉ giới hạn cho những người tham gia công việc tình nguyện, thực hiện nghĩa vụ công ích hay nghĩa vụ quân sự, hoặc làm những công việc nhất định trong ngành y tế. Ngoài ra, nếu bạn có các khoản vay sinh viên cá nhân, bạn thường sẽ không được xóa nợ dù có làm trong ngành nào.
Nếu bạn quyết định ngừng trả các khoản vay này, hậu quả có thể sẽ rất tồi tệ với tương lai tài chính của bạn.
"Những người thôi không trả các khoản vay đi học thời sinh viên nữa sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới điểm số tín dụng và mức độ tín nhiệm của họ," Adams chia sẻ. "Bạn cũng có thể bị kiện bởi người cho vay tư nhân."
Do các quy định để xóa các khoản vay đi học rất cụ thể, Adams khuyên những người đi vay nên liên hệ với nhà cung cấp khoản vay cho sinh viên của mình và tìm hiểu các lựa chọn cho những người làm nghề như họ.
9. Tôi không đủ tiền để nộp vào quỹ hưu trí 401(k)
Sự thật: Bạn không thể không đầu tư vào quỹ hưu trí 401(k).
Adams nói rằng một trong những sai lầm tài chính lớn nhất ai cũng có thể mắc phải trong đời là không đầu tư vào kế hoạch hưu trí.
"Khi bạn giữ lại số tiền đó, bạn đã mất cơ hội được hưởng lợi ích thuế, các khoản hỗ trợ từ các chủ lao động hào phóng và hàng nghìn USD thu nhập vào tài khoản," Adams khẳng định và nói thêm rằng quỹ hưu trí không có điểm bất lợi nào.
Adams cũng nói rằng những người chưa tham gia quỹ hưu trí nên liên lạc với các bộ phận phúc lợi của công ty trước để xem họ có đủ điều kiện tham gia không.
"Nhìn chung thì các ông chủ sẽ muốn bạn đủ 21 tuổi và đã làm việc ít nhất 1.000 giờ để đủ điều kiện," Adams cho biết.
10. Tôi sẽ trả nợ khi bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn
Sự thật: Bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy mình kiếm đủ tiền.
Howard Dvorkin, kế toán viên công chứng kiêm nhà sáng lập Debt.com cho biết, "Lời nói dồi về tiền bạc lớn nhất tôi từng nghe suốt 2 thập kỷ qua là như thế này: 'Vâng, tôi đang có các khoản vay cho sinh viên đi học, vay mua xe và hóa đơn thẻ tín dụng nhiều hơn số tiền tôi có thể thanh toán, nhưng khi tôi được 30-40 tuổi, đó là lúc tôi kiếm được nhiều tiền nhất trong đời, và tôi sẽ trả nợ vào lúc đó'."
Thường thì, mọi người bắt đầu lập gia đình ở độ tuổi 30, một thực tế khiến các khoản chi tiêu hàng tháng tăng lên. Và tiền nuôi con cái cứ mỗi năm lại nhiều thêm. Ngay cả khi bạn không có ý định sinh con thì vẫn có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của bạn.
Thứ nhất, bạn có thể sẽ chẳng bao giờ kiếm được thêm nhiều tiền hơn. Thứ hai, nếu bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn có thể sẽ không muốn có những thay đổi lối sống cần thiết để trả nợ. Rõ ràng, tiêu những thành quả mình vất vả làm ra vào những khoản nợ cũ là một việc rất chán nản.
"Kết luận là: nếu bạn không thể tiết kiệm lúc này, thì sau này bạn cũng không thể", Dvorkin khẳng định.
11. Tôi chỉ cần một tài khoản hưu trí
Sự thật: Có nhiều tài khoản hưu trí sẽ giúp bảo vệ tiền của bạn.
Mặc dù quỹ 401(k) là một khởi đầu tốt trong kế hoạch hưu trí, nhưng như vậy có thể vẫn chưa đủ và bạn sẽ cần bổ sung thêm các khoản đầu tư khác.
"Đang có một sự thay đổi từ các quỹ lương hưu sang các tài khoản hưu trí, và nhân viên đang chuyển sang nắm quyền chủ động," Jim Poolman, giám đốc điều hành Indexed Annuity Leadership Council cho biết. "Trách nhiệm lựa chọn các chiến lược và giảm nhẹ rủi ro trong khi tiết kiệm cho hưu trí giờ hầu như phụ thuộc hết vào người lao động."
Đầu tư vào một quỹ 401(k) là chuyện đơn giản, và phần đóng góp của chủ lao động là một khoản thưởng rất lớn, nhưng để đạt được các mục tiêu hưu trí và bảo vệ tiền bạc, bạn cần đa dạng hóa chiến lược tiết kiệm của mình.
"Nên tự bảo vệ mình khỏi rủi ro thị trường và bảo vệ giá trị các khoản tiết kiệm đồng thời với việc duy trì danh mục đầu tư đa dạng," Poolman nhận định. "Sự đa dạng rất quan trọng với các khoản tiết kiệm hưu trí vì nó thực sự giúp giảm rủi ro và tăng số tiền thu về."
Theo Poolman, một cách dễ dàng để cân bằng danh mục đầu tư hưu trí của bạn là tận dụng các sản phẩm truyền thống, như một dòng tiền đều cố định giúp bảo đảm một nguồn thu nhập nhất định khi nghỉ hưu, ngay cả khi thị trường biến động./.